Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết như trên trong cuộc họp ứng phó bão Vamco sáng 12/11.
Theo ông, bão Vamco vào Biển Đông sáng nay với sức gió mạnh nhất cấp 12, trở thành cơn bão thứ 13 trong năm và là cơn bão thứ ba kể từ đầu tháng. Trong ba kịch bản, thứ nhất , bão đổ bộ vào khu vực trung trung bộ, ảnh hưởng đến đất liền từ đêm 13/11, sức gió mạnh nhất trên biển cấp 12, giảm hai cấp khi vào ven bờ.
Từ đêm 13 đến ngày 15/11, các tỉnh Quảng Bình đến Phú Yên mưa lớn với lượng từ 100-250 mm; riêng Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa từ 250-350 mm. Trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định xuất hiện đợt lũ mới, từ mức báo động 2 đến mức báo động 3.
Thứ hai , bão đi lên phía bắc suy yếu và vào Bắc Trung Bộ. Thời gian ảnh hưởng đến đất liền từ ngày 14/11; gió mạnh nhất trên biển cấp 12, khi vào gần bờ giảm năm cấp. Từ ngày 14 đến 16/11, Bắc và Trung Trung Bộ, mưa lớn với lượng mưa từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Dự kiến hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Vamco của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: NCHMF
Thứ ba , khi bão đến kinh tuyến 111-112 có thể đi thẳng vào khu vực Trung Trung Bộ, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng. “Kịch bản này ít khả năng, nhưng nếu xảy ra thì bão sẽ đi rất nhanh, sức gió tập trung lớn, mưa dồn dập trong vòng 6 giờ có thể đạt từ 100-150 mm”, ông Khiêm nhận định.
Đài khí tượng Nhật Bản ghi nhận Vamco đổ bộ Philippines với sức gió 130 km/h, khi vào Biển Đông sức gió mạnh nhất 148 km/h. Đài Hong Kong nhận định bão vào Biển Đông với sức gió 130 km/h, dự báo khi đến sát đất liền Việt Nam giảm còn 105 km/h.
Các đài quốc tế đều dự báo bão khi đến gần đất liền sẽ không đi thẳng mà lướt dọc các tỉnh từ Quảng Nam ra Hà Tĩnh, tâm bão đổ bộ vào Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày 16/11.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường , thường vào cuối mùa bão sẽ đi xuống phía Nam. Tuy nhiên, áp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu nên đường đi của bão chịu chi phối bởi nhiều nhân tố phụ như nhiệt độ mặt biển, dòng hải lưu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp ứng phó bão sáng 12/11. Ảnh: Tất Định.
“Bão Vamco hướng đi rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng. Các đài khí tượng đang dự báo hướng di chuyển chưa thống nhất. Vì vậy chiến lược ứng phó của chúng ta phải bám sát, thay đổi liên tục. Không ngoại trừ khả năng bão Vamco có hướng di chuyển như bão HaiYan 2013, quét dọc bờ biển nước ta”, ông Cường nói và đề nghị cơ quan chức năng mở rộng phạm vi dự báo.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương kiên quyết không để tàu thuyền hoạt động trên biển trong phạm vi ảnh hưởng của bão, kể cả thuyền nhỏ ven bờ; sơ tán người dân ra khỏi lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
Theo Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, đến chiều 11/11, tất cả tàu thuyền đã thoát khỏi khu vực nguy hiểm của bão. Bộ Quốc phòng huy động hơn 251.000 người, 16.000 phương tiện để trợ giúp người dân ứng phó bão.
Trước đó, bão Etau đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa hôm 10/11 mang theo mưa gió cấp 7 làm chết hai người. Trong tháng 10, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi trong tháng qua làm 159 người chết, 71 người khác mất tích.