“Có nước, có non, có cuộc đời”

(Baohatinh.vn) - 69 năm trôi qua nhưng cảm xúc thiêng liêng về Tết Độc lập mãi còn tươi nguyên trong ký ức của cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Toản (91 tuổi, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh), nguyên Tỉnh ủy viên phụ trách công tác tài mậu...

Mùa thu năm 1945, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Toản với tinh thần yêu nước nồng nàn đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Tiếp nối truyền thống dạy học của gia đình, Nguyễn Hữu Toản tham gia dạy bình dân học vụ ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ông Toản nhớ lại: “Lúc ấy, tôi làm Phó ban kiêm giáo viên bình dân học vụ về dạy ở bản Lũng, xã Thạch Giám. Mặc dù không có lương bổng gì nhưng được làm nghề theo sở trường của mình, kế thừa được truyền thống ông cha và được bà con đồng bào mến phục, trọng vọng”.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Cũng tại lớp bình dân học vụ ở bản Lũng, ông Toản đón nhận tin Quốc khánh trong niềm vui chung với bà con đồng bào nơi đây. Ông kể: “Hôm đó, các cán bộ Việt minh lên thăm bản và thông báo cho mọi người khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi khắp cả nước. Chiều nay, Bác Hồ sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khỏi phải nói, cảm xúc của tôi như vỡ òa. Hai chữ độc lập sao mà thiêng liêng đến thế! Tôi nhớ anh Bảy (đồng hương cùng dạy lớp bình dân học vụ với ông Toản - PV) quay sang nói với tôi: “Vậy là thoát kiếp nô lệ rồi chú à!”.

Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi nhưng mãi đến năm 1947, ông Nguyễn Hữu Toản mới trở về quê hương sau 5 năm xa nhà. Lúc ấy, ông Toản mới biết Hà Tĩnh và Nghệ An là 2 tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất. Người dân ồ ạt ra đường, từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến. Và trong ngày Quốc khánh 2/9/1945, từ sáng sớm, hàng vạn người dân hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đổ dồn về trung tâm huyện, thị xã. Đúng 14h, đồng bào muôn người như một chăm chú lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập qua Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi khắp cả nước. Kể từ đây, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh, lịch sử dân tộc bước sang trang mới. Những người con Việt Nam lần đầu tiên được ngẩng cao đầu, tự hào với thế giới vì mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Ông Nguyễn Hữu Toản kể về ngày Quốc khánh 2/9/1945 với phóng viên.
Ông Nguyễn Hữu Toản kể về ngày Quốc khánh 2/9/1945 với phóng viên.

Mặc dù không trực tiếp chứng kiến giây phút thiêng liêng ấy tại Quảng trường Ba Đình lịch sử nhưng với ông Toản, cảm xúc vỡ òa trong giây phút đón nhận Tết Độc lập đầu tiên vẫn còn vẹn nguyện. Ông không bao giờ quên niềm vui ngày đầu được làm người dân tự do. Từ cảm xúc thiêng liêng ấy, những bậc lão thành cách mạng như ông Toản càng cảm thấy trân trọng hơn hai chữ độc lập để cống hiến hết mình cho lý tưởng cách mạng. Trải qua nhiều cương vị công tác như: Chánh Văn phòng Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh kiêm Ủy viên UBND tỉnh phụ trách tài mậu (tài chính, ngân hàng, thương nghiệp, lương thực)… được chứng kiến nhiều tết độc lập sau này nên ông Nguyễn Hữu Toản càng thấm thía hơn ý nghĩa của ngày Quốc khánh 2/9. Đặc biệt, năm 1960-1961, ông Toản được điều đi công tác ở Văn phòng phủ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong khoảng thời gian này, ông đã có cơ hội sống trọn không khí của ngày Quốc khánh ở Quảng trường Ba Đình lịch sử.

91 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, gần 70 Tết Độc lập đã đi qua, ông Nguyễn Hữu Toản luôn sống với niềm biết ơn vô bờ đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu. Và trong niềm phấn khởi chuẩn bị đón Tết Độc lập lần thứ 69, ông Toản xúc động đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ do ông sáng tác và đó cũng chính là cảm xúc của ông đối với ngày Quốc khánh 2/9:

Thành nhân thành kỷ nhờ dân Đảng

Có nước, có non, có cuộc đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast