Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết

(Baohatinh.vn) - Đại biểu thuộc Đoàn BĐQH Hà Tĩnh cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; đúng trình tự thủ tục theo luật định; đảm bảo an toàn thông tin.

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận trực tuyến về công tác tư pháp và nghe Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Các vị đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương và đại diện các sở, ngành liên quan cùng dự.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu tham luận tại kỳ họp vào sáng 24/10.

Tham gia thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh: "Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, hướng dẫn TAND các cấp xét xử kịp thời, nghiêm minh hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch như: trốn khỏi nơi cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh; làm giả giấy xét nghiệm; gây rối, cố ý gây thương tích trong khu cách ly; chống người thi hành công vụ.

Tăng cường ứng dụng CNTT để tiếp nhận chứng cứ, tài liệu qua hệ thống mạng internet và Cổng thông tin điện tử Tòa án. Tòa án địa phương khi hết thực hiện giãn cách chủ động phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp và cơ quan liên quan để tiến hành hoạt động xét xử kể cả thứ 7, chủ nhật; xét xử ngoài trụ sở Tòa án khi phải mở nhiều phiên tòa trong cùng một thời điểm".

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận trực tuyến.

Tuy vậy, theo đánh giá của đại biểu Thu, dù ngành Tòa án đã nỗ lực, kịp thời triển khai các giải pháp đột phá, linh hoạt nhưng năm 2021, chỉ tiêu xét xử chỉ đạt 81,2% - thấp hơn cùng kỳ các năm trước.

“Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc chúng ta phải cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết, nhất là trước dự báo tội phạm và tranh chấp dân sự có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp. Việc nhiều, người ít, nếu không có những giải pháp phù hợp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, bà Thu khẳng định.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết

Đại biểu các ban HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan cùng dự.

Đại biểu Thu cũng đồng tình với ý kiến của đa số đại biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự được thực hiện kịp thời; tiết kiệm thời gian, chi phí; công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; thực hiện cam kết quốc tế và phù hợp với xu thế thời đại.

Đại biểu Thu cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; đúng trình tự thủ tục luật định; đảm bảo an toàn thông tin. Việc mở phiên tòa trực tuyến phải có đơn đề nghị tòa án xét xử của người tham gia tố tụng và trại giam; đồng thời phải có văn bản đồng ý từ Viện kiểm sát cùng cấp.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi phần thảo luận của bà Phan Thị Nguyệt Thu.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với lộ trình phát triển của nền tư pháp Việt Nam, nhất là trước đó, TAND tối cao đã có quy chế phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử.

Trước khi tổ chức phiên tòa trực tuyến cần có sự thống nhất giữa Tòa án với các ngành liên quan như: VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam...

Sau phần thảo luận trực tuyến của đại biểu các tỉnh thành, chiều nay (24/10), Quốc hội tiếp tục nghe Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast