Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) tham gia tranh luận, góp ý một số nội dung dự thảo luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Tranh luận với đại biểu Vương Thị Hương về khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật, quy định hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng: quy định này là không phù hợp với khoản 2, khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình vì gia đình và thành viên gia đình là những người có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống ba đời.

Đại biểu khẳng định, gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, người đã ly hôn thì quan hệ hôn nhân đã chấm dứt bằng bản án của toà án. Do đó, nếu thừa nhận hành vi bạo lực của các đối tượng này là bạo lực gia đình thì vô hình trung cũng thừa nhận mối quan hệ hôn nhân không hợp pháp - mối quan hệ bị xã hội lên án, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra những vụ bạo hành với trẻ em khi phải chung sống với người tình của bố hoặc của mẹ. Theo đại biểu, hành vi đó phải được phải được điều chỉnh bằng các luật tương ứng khác mà không phải luật này. Từ đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu tham gia tranh luận, góp ý một số nội dung dự thảo Luật.

Từ thực tiễn hoạt động toà án, phát biểu về biện pháp cấm tiếp xúc, thẩm quyền ra quyết định, huỷ bỏ quyết định, giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc được quy định tại Điều 33, 34 dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu phân tích điểm a, khoản 1 Điều 34 quy định: toà án nhân dân ra quyết định cấm tiếp xúc khi có yêu cầu của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp, hoặc cơ quan tổ chức có thẩm quyền thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực. Như vậy, việc Toà án ra quyết định cấm tiếp xúc theo điểm a, khoản 1 bắt buộc phải có yêu cầu của những người này, tuy nhiên điểm b khoản 1 điều này lại quy định toà án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc nếu thấy cần thiết trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối. Như vậy trong điểm a, điểm b khoản 1 nội dung điều luật mâu thuẫn nhau, nghĩa là toà án không thể tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc nếu người bị bạo lực gia đình không đồng ý. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định rõ cấm tiếp xúc theo quyết định của Toà án.

Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng Điều 35 quy định “Công an cấp xã tổ chức giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân” nhưng không quy định Toà án phải gửi các quyết định này cho công an cấp xã để tổ chức giám sát. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast