Hành trình tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Ngày 5/6/1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Nhân 109 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6 (1911 - 2020)

Hành trình tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

Tàu Đô đốc Latouche-Tréville, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5/6/1911.

Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không sang Nhật Bản, không đi Trung Quốc... mà tới châu Âu - khu vực đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để tìm hiểu truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái…, tìm hiểu nơi đã sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát, cực kỳ tàn bạo; đặc biệt là đến Pháp - quốc gia đang trực tiếp cai trị đất nước mình.

Trong vòng 10 năm, từ 1911 - 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.

Trong mỗi chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ nhằm học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa để bổ sung cho mình những kiến thức phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó, Người rút ra kết luận chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.

Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười Nga mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Hành trình tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12.1920

Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Người đã tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng.

Từ năm 1930-1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Trong khoảng thời gian ấy, Người có lúc ở Liên Xô, Trung Quốc, từng bị kẻ thù bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại Trường Quốc tế Lê-nin. Năm 1938, Người trở về Trung Quốc, chủ yếu hoạt động ở vùng Quảng Tây.

Sau 30 năm tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành chính quyền về tay Nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và dân chủ. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã tiến hành 2 cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Nhìn lại hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta đều khắc sâu trong tâm khảm những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm với lòng biết ơn vô hạn, công ơn trời biển Người đã dành cho đất nước ta, dân tộc ta và Nhân dân ta. Đánh giá về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Han đơ-vi-lơ - Phó Tổng Giám đốc UNESCO đã nói: “Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu”.

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast