Mô hình "2 trong 1": Chỗ ngừng thí điểm, nơi tiếp tục nhân rộng!

(Baohatinh.vn) - Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã bắt đầu triển khai từ năm 2009 theo chủ trương của Trung ương. Hà Tĩnh khi đó có 16 xã, thị trấn thực hiện thí điểm. Thời điểm thịnh vượng nhất của mô hình “2 trong 1” này là vào năm 2012, khi có tới 29 xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện. Thế nhưng, hiện tại, toàn tỉnh chỉ còn 14 xã vận hành mô hình này.

Điểm nhấn ở Cẩm Xuyên, Đức Thọ

Thực hiện Kế hoạch 42-KH/TU ngày 10/4/2009 của BTV Tỉnh ủy, Cẩm Xuyên đã lựa chọn xã Cẩm Nhượng thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Người đảm đương vị trí quan trọng này là ông Nguyễn Sỹ Huyền. Từ chỗ đơn vị khó khăn, nội bộ thiếu thống nhất, sau nhiều năm, Cẩm Nhượng đã vươn lên mạnh mẽ.

mo hinh 2 trong 1 cho ngung thi diem noi tiep tuc nhan rong

PV Báo Hà Tĩnh trao đổi với lãnh đạo xã và Bí thư, Trưởng thôn 3 (xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) về cách thức vận hành mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã.

Từ bước đi, cách làm đúng ở Cẩm Nhượng, nhiều địa phương khác trong huyện đã đăng cai thực hiện mô hình. Đến nay, Cẩm Xuyên đã có tới 6 xã áp dụng mô hình. Từ năm 2009-2015, huyện có thêm 3 địa phương áp dụng mô hình là Cẩm Quang, Cẩm Bình, thị trấn Cẩm Xuyên. Sau đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, thêm Cẩm Mỹ và Cẩm Huy đăng ký thực hiện.

“Sở dĩ số xã áp dụng mô hình này tăng là vì chúng tôi thực hiện tốt 2 nội dung quan trọng. Thứ nhất, phải lựa chọn được nhân tố. Nhân tố này phải hội tụ được năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và có chiều hướng phát triển. Để có nhân tố thì quan trọng là phải làm tốt khâu bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, phát hiện và mạnh dạn sử dụng cán bộ. Cùng với cán bộ chủ trì, phải xây dựng đội ngũ cán bộ cấp dưới đồng bộ, đủ năng lực, phẩm chất, nhất là các đồng chí cấp phó. Thứ hai, phải phát huy được vai trò của tập thể, nhất là BCH đảng bộ và trách nhiệm phản biện xã hội, chung sức, đồng lòng của MTTQ, các đoàn thể” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên Hà Văn Bình cho hay.

Cũng theo đồng chí Bình, hiện tại, trên địa bàn huyện đã có thêm 3 đơn vị xin đăng ký thực hiện mô hình này; nhiều thôn, tổ dân phố đã bắt đầu thực hiện mô hình bí thư đồng thời là trưởng thôn.

Cũng giống như Cẩm Xuyên, năm 2009, Đức Thọ chỉ lựa chọn 1 đơn vị thí điểm là thị trấn Đức Thọ. Sau thành công của thị trấn, đặc biệt, dù thay đổi nhân sự chủ trì nhưng mô hình “2 trong 1” vẫn tiếp tục thực hiện ở địa phương này, đến nay, toàn huyện đã có thêm 3 xã khác áp dụng (Tùng Ảnh, Đức Thịnh, Đức La). Không chỉ cấp xã, Đức Thọ còn tiên phong trong việc thí điểm mô hình bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao rất nhiều huyện, thị áp dụng mô hình này không thành công, trong khi Cẩm Xuyên và Đức Thọ lại nhân rộng? Cần nhớ rằng, chủ trương là chung, cơ chế không khác biệt.

Nhiều huyện “trắng” mô hình

Không có chiều hướng tích cực như những vùng quê cách mạng, nhiều địa phương trong tỉnh giờ đã “trắng” mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã. Huyện Can Lộc và Hương Khê từ chỗ thí điểm 3 đơn vị lần lượt là Tùng Lộc, Khánh Lộc, Gia Hanh và thị trấn Hương Khê, Hương Lâm, Hương Vĩnh; Lộc Hà bước đầu thí điểm có 2 xã là Mai Phụ, Thạch Bằng, sau có thêm Thạch Châu, nhưng đến nay, tất cả các xã cũng đã phân tách chức danh bí thư và chủ tịch UBND xã. Các huyện khác như Thạch Hà, Nghi Xuân cũng không còn mô hình “2 trong 1” theo chủ trương thí điểm của Trung ương.

mo hinh 2 trong 1 cho ngung thi diem noi tiep tuc nhan rong

Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) giao ban với cán bộ xã, thôn

Lý giải về điều này, ông Trần Xuân Ngọc - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân cho biết: “Điều quan trọng của mô hình này là con người cụ thể. Nếu không có con người cụ thể có thể đảm trách được vị trí quan trọng đó thì mô hình không thể thành công”.

Đồng quan điểm với ông Ngọc, Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng cũng cho rằng: “Mô hình này có thời điểm không nhìn ra cán bộ nên phải dừng lại. Hơn nữa, quá trình vận hành mô hình này, với cơ chế hiện tại thì rất dễ nảy sinh tình trạng lạm quyền, độc đoán”.

Có lẽ, vì những lý do cơ bản này mà ngay cả những đơn vị như Tùng Lộc, Khánh Lộc - những đơn vị mà nhân sự giữ chức vụ bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã vẫn công tác tại xã nhưng đã phân tách. Câu chuyện này cũng giống xã Phù Việt (Thạch Hà) năm 2015. Thậm chí, ở Phù Việt, huyện phải điều động cán bộ huyện tăng cường làm chủ tịch UBND xã sau khi ngừng áp dụng mô hình.

Trở lại với câu chuyện nhân sự, theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời điểm thực hiện thí điểm, nhiều địa phương gặp khó khăn trong lựa chọn nhân sự đáp ứng yêu cầu mà Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã hướng dẫn. Thậm chí khi đó, có huyện đã gửi văn bản xin không thực hiện. Năm 2011, sau 2 năm triển khai, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã bước đầu đánh giá mô hình để báo cáo Trung ương. Báo cáo khi đó nhận định: “Thực tế những đơn vị chọn thí điểm là những địa phương có đội ngũ cán bộ có năng lực, nội bộ đoàn kết, KT-XH phát triển ổn định; nếu thực hiện trên diện rộng thì đội ngũ cán bộ một số địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn”.

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast