Thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

(Baohatinh.vn) - Sáng ngày 16/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn đã góp ý, đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của rượu, bia.

Thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội trường

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đại biểu khẳng định, đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đồng thời ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, gia tăng đáng báo động ở nước ta hiện nay, gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe. Đặc biệt, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ tai nạn giao thông (ước tính chiếm 36.2 % ở nam giới và 0,7 % ở nữ giới), gây bạo lực gia đình, gây rối trật tự xã hội.

Đại biểu nhất trí với tên gọi của dự án luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo, bao gồm các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, kể cả những biện pháp liên quan đến việc kiểm soát sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu bia, nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu, bia; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đối với các chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Quy định tại Điều 3 dự thảo luật), đại biểu đề nghị cần quy định rõ một số nội dung cụ thể.

Tại Khoản 1, thực hiện đồng bộ các biện pháp và chính sách giảm mức tiêu thụ của rượu, bia; quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp của rượu, bia; giảm sản lượng sản xuất, nhất là sản xuất rượu thủ công không đảm bảo các điều kiện.

Tại Khoản 2, đại biểu đồng tình với chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình giảm mức tiêu thụ rượu bia đến 2023 và các năm tiếp theo (có quy định lộ trình cụ thể trên nguyên tắc công khai, minh bạch).

Tại Khoản 3, đại biểu cho rằng cần bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia với tỉ lệ giá trị thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Về hành vi bị nghiêm cấm (tại Điều 5, dự thảo luật), đại biểu đồng tình về quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức. Đồng thời tại Khoản 4, Điều 5, đề nghị quy định: “Cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia, cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia” thay cho “Cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia” để đảm bảo tính toàn diện và bao quát hơn. Bên cạnh đó, yêu cầu bổ sung thêm hành vi cấm tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia.

Về biện pháp tăng cường quản lý sản xuất, mua bán rượu thủ công (Điều 16, dự thảo luật): Theo đại biểu cần quy định rõ ràng, cụ thể về cơ chế, chính sách quản lý sản xuất, mua bán rượu thủ công. Đồng thời, đưa ra giải pháp và thủ tục quản lý, điều kiện sản xuất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định lộ trình cụ thể và các giải pháp khuyến khích người sử dụng rượu hợp lý. Từ đó, kiểm soát chất lượng, hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân, đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng.

Đại biểu nêu ra, Nhà nước cần phải cân đối kinh phí phục vụ cho hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia (Điều 26, 27) phù hợp với thực tế hiện nay, đảm bảo tính khả thi. Nguồn kinh phí này được trích một tỉ lệ xác định từ số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Đọc thêm

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Hà Tĩnh sắp xếp 209 xã, phường, thị trấn thành 69 đơn vị (9 phường, 60 xã). Đây không phải là lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng là lần sắp xếp có tính chất lịch sử, khi tiến hành bỏ cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.