Triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp

Áp thấp nối áp thấp đang hướng vào biển Đông và Bắc Trung bộ. Trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới đang diễn biến phức tạp, chiều 16-7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các giải pháp ứng phó, đồng thời sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình này.

Triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp

Cuộc họp khẩn chiều nay do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay, 16-7, vùng áp thấp trên vịnh Bắc bộ đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 11 giờ trưa nay, áp thấp nhiệt đới có vị trí 18.7°N và 108.1°E, sức gió mạnh nhất đạt cấp 6 (39 - 49km/giờ); gió giật cấp 8 (62 - 74 km/giờ). Hướng di chuyển Tây Tây Nam với vận tốc 5km/giờ. Vị trí hướng tới: Các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Dự báo: Áp thấp nhiệt đới còn mạnh thêm trước khi đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.

Vì vậy, các địa phương nêu trên cần có phương án chủ động phòng chống với gió mạnh và mưa lớn. Các tỉnh Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng mưa to gây ngập úng tại đô thị, khu dân cư và lũ quét sạt lở đất tại vùng núi.

Trong khi đó, cũng trong sáng 16-7, một vùng áp thấp ở phía Đông Philippines đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 11 giờ trưa nay, áp thấp nhiệt đới có vị trí 19°N và 125°E; sức gió mạnh nhất: cấp 6 (39 - 49km/h); gió giật cấp 8 (62 - 74km/giờ. Hướng di chuyển Tây với vận tốc 25 - 30 km/giờ. Vị trí hướng tới: Khu vực Đông Bắc biển Đông.

Dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh hướng vào biển Đông vào chiều tối và đêm nay sẽ đi vào phía Đông khu vực Bắc biển Đông cùng cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 sau đó hướng về vịnh Bắc Bộ và mạnh dần lên thành bão với cường độ mạnh cấp 8 giật cấp 10.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có diễn biến phức tạp sau khi mạnh lên thành bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh với cường độ mạnh.

Trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, chiều 16-7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các giải pháp ứng phó, đồng thời sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường báo cáo: Hiện nay, thiên tai trên thế giới đang rất khốc liệt. Tại Nhật Bản, mặc dù có kinh nghiệm nhưng vẫn thiệt hại rất nặng. Tại Trung Quốc, khoảng 2/3 lãnh thổ có mưa, lũ. Tại Bắc bộ nước ta hiện cũng đang đối mặt với áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc bộ và áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines sắp mạnh lên thành bão.

Để chủ động ứng phó, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chủ động diễn tập chỉ đạo xả lũ và xả ngay 1 cửa xả đáy tại hồ Hòa Bình trong đêm diễn tập. Sau 6 ngày xả đến nay mực nước trên hồ vẫn ở mức cao nên vẫn phải tiếp tục xả. Sáng nay đã lệnh xả tiếp 1 cửa xả đáy.

Theo SGGP

Đọc thêm

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.