Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các dự án giao thông BOT

Sáng 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng–Kinh doanh–Chuyển giao (BOT).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã tham dự phiên họp.

uy ban thuong vu quoc hoi thao luan ve cac du an giao thong bot

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VOV

Đánh giá về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các công trình giao thông BOT, nhất là việc đặt các trạm thu phí đường bộ, Báo cáo của Chính phủ cho biết: Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì ban hành quy định việc đặt trạm thu phí (Thông tư số 159/2013/TT-BTC).

Cụ thể, nếu đường bộ đặt trạm thu phí có khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường bảo đảm tối thiểu 70 km thì do Cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không bảo đảm tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương). Đối với đường cao tốc thực hiện theo hình thức thu phí kín thì không quy định cự ly các trạm thu phí.

Về hiện trạng các trạm thu phí, hiện có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm thu phí (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm. Trong tổng số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60- 70 km do địa hình vị trí đặt trạm bảo đảm 70 km không thuận lợi. Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách < 60 km, 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT chủ yếu thực hiện đầu tư trước năm 2011, do trước đây các trạm này thu phí nộp ngân sách.

Báo cáo Chính phủ đánh giá: Trong quá trình thực hiện, trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu phí, trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT có chính sách miễn phí đối với xe thô sơ, xe máy nông nghiệp, xe gắn máy; đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ trả phí một lần trong ngày.

Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành khai thác vẫn còn có một số ý kiến phản ánh của người dân về vị trí trạm và tính công bằng của người sử dụng. Nguyên nhân cơ bản có thể kể đến là: Một số vị trí đặt trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp; tâm lý không đồng thuận của người sử dụng do việc thay đổi từ miễn phí sang đóng phí sử dụng đường bộ; chính sách phí đối với thu phí lượt (hở) không thể công bằng tuyệt đối.

Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT xử lý những bất cập về giá tại 6 trạm và rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống trạm thu giá để đưa ra giải pháp xử lý tất cả các trạm còn lại trên toàn quốc.

Về đầu tư xây dựng các trạm thu phí, trong bước chuẩn bị đầu tư, cơ bản các dự án đều do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ trì tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt. Bộ GTVT đã có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm hiệu quả. Theo kết quả rà soát, suất vốn đầu tư các dự án BOT (sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng) tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước; giá xây dựng tổng hợp hạng mục công trình thì tương tự như các dự án vốn Nhà nước, tương đương suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp theo công bố của Bộ Xây dựng.

Kết quả thanh tra và kết luận của Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như nhầm lẫn một số đơn giá định mức, hạng mục khối lượng trong tổng mức đầu tư với tỷ lệ không lớn (Kết quả kiểm toán 22 dự án có tổng mức đầu tư là 82.215,77 tỷ đồng, trong đó sai số là 465,56 tỷ đồng).

Báo cáo rà soát, đánh giá của Bộ GTVT, cũng như kết quả Thanh tra và Kết luận của Kiểm toán Nhà nước trong việc xác định chi phí xây dựng công trình hạ tầng giao thông BOT trong thời gian qua, đều xác định còn một số sai sót, nhầm lẫn trong việc áp dụng định mức và xác định đơn giá.

Về phương án tài chính, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ GTVT rà soát, đề xuất điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, có 35 dự án đã giảm giá vé (giảm giá vé loại 4 từ 140.000 đồng xuống 120.000 đồng; giảm loại 5 từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng), không cần giảm 27 dự án do giá vé thấp và đặc thù công trình hầm, 11 dự án chưa giảm, nguyên nhân lưu lượng xe thấp hơn dự kiến trong phương án tài chính, do vậy nhà đầu tư và ngân hàng chưa đồng ý giảm giá do doanh thu thu giá hiện tại không bảo đảm trả nợ.

Về lộ trình tăng phí, tạm dừng không tăng phí trong năm 2016 với các trạm thu giá hoạt động trước năm 2014, không bổ sung dự án mới, nhưng có lộ trình tăng phí trong năm 2017.

Công tác lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu các nhà đầu tư áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện để lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện dự án. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cho thấy do các nhà đầu tư trong nước hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý công tác đấu thầu nên công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu còn tồn tại nhất định.

Mặc dù hành lang pháp lý giao toàn quyền cho nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu tuy nhiên để kiểm soát năng lực nhà thầu, Bộ GTVT đã ban hành quy định và đưa vào trong nội dung hợp đồng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đại diện là các Ban quản lý dự án) có trách nhiệm kiểm soát công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư (thỏa thuận kế hoạch đấu thầu, thỏa thuận kết quả lựa chọn nhà thầu).

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại hiện tượng một số nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án đã không tuân thủ chặt chẽ các quy định của Bộ GTVT, quy định của hợp đồng BOT dự án như đã được nêu tại các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán ở một số dự án trong thời gian vừa qua.

Theo Lê Sơn/chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast