Ông Trần Quốc Tuấn (thứ 3 từ trái qua) đang là ứng cử viên nặng ký của chức Chủ tịch VFF khóa tới. Ảnh: Đại Nghĩa
Đương kim Chủ tịch Liên đoàn, ông Lê Hùng Dũng chắc chắn sẽ nghỉ sau khi kết thúc nhiệm kỳ này và hiện nay danh sách một số ứng viên thay thế vị trí ông Dũng ở khóa VIII đã "xuất hiện" trên mặt báo như Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn; cựu Phó Chủ tịch HĐQT VPF, Nguyễn Công Khế; cựu Giám đốc Trung tâm HLTTQG TP.HCM, Lê Quý Phượng; Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình, Cấn Văn Nghĩa.
Trong số này, ông Tuấn được coi là ứng viên sáng giá nhất nhờ việc đã và đang tham gia các hoạt động điều hành của bóng đá Việt Nam, AFF, AFC cũng như FIFA. Ngoài ra, ông Tuấn còn có vai trò quốc tế quan trọng trong hoạt động đối ngoại của VFF.
Ông Nguyễn Công Khế cũng là một ứng viên không thể bỏ qua với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức giải U21 quốc gia và giải U21 quốc tế báo Thanh Niên. Bên cạnh đó, ông Khế còn có lợi thế nữa là từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT VPF.
Trong khi đó, ông Lê Quý Phượng và ông Cấn Văn Nghĩa được coi là những nhân tố mới trong cuộc chạy đua đến chức Chủ tịch VFF. Điểm chung của 2 ứng viên này là tuy có nhiều năm công tác trong ngành thể thao, nhưng chưa từng tham gia điều hành bóng đá ở quy mô quốc gia hay quốc tế.
***
Việc có nhiều ứng viên cho vị trí Chủ tịch VFF được xem là tín hiệu tích cực với bóng đá Việt Nam, bởi sau những thành công liên tiếp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thành tích á quân giải U23 châu Á năm 2018, bóng đá Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội.
Điều này khiến cho những đòi hỏi cho vị trí Chủ tịch VFF càng được nâng cao hơn so với trước đây, bởi lãnh đạo Liên đoàn khóa VIII không chỉ bảo đảm các tiêu chí về chuyên môn, phẩm chất chính trị mà còn phải đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe để có thể đảm đương được các công việc của bóng đá Việt Nam trong tình hình mới.
Thực tế là ở nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao Việt Nam lâu nay tồn tại tình trạng các quan chức khi đến tuổi hưu thì thường tìm cách “hạ cánh” vào ghế lãnh đạo của một trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp nào đấy để kéo dài thời gian công tác.
Nhiệt huyết cống hiến cho ngành thể thao bất chấp tuổi tác như vậy là một điều rất tốt, nhưng một vấn đề cũng cần phải đặt ra ở đây là muốn làm được lãnh đạo trước tiên phải có sức khoẻ bảo đảm, mà bóng đá là môn thể thao được quan tâm số một nên áp lực dành cho chiếc ghế lãnh đạo VFF sẽ là rất lớn.
Chẳng nói đâu xa, Chủ tịch VFF khóa VII Lê Hùng Dũng từng đã hứa hẹn rất nhiều kế hoạch hoành tráng trong thời gian vận động tranh cử, nhưng sau khi đắc cử chưa lâu thì ông Dũng lại gặp vấn đề về sức khoẻ nên rất nhiều ý tưởng của ông buộc phải dừng lại ở mức độ... ý tưởng!
Chính vì thế, việc lựa chọn nhân sự cho vị trí lãnh đạo Chủ tịch VFF sẽ là một nhiệm vụ quan trọng mà các thành viên tham gia Đại hội VFF khóa VIII buộc phải xem xét kỹ lưỡng, rằng nên ưu tiên sức trẻ hay đề cao kinh nghiệm của “tổ hưu”, mà thành công của bóng đá trẻ Việt Nam ở sân chơi quốc tế trong thời gian vừa qua như U23, U20 hay U15 chính là một gợi ý hết sức rõ ràng.