Theo khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự... Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đang diễn ra khá phổ biến ở hầu khắp các địa bàn.
Đã có quá nhiều bài học đau lòng, vô vàn video về tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy được trình chiếu khắp các trường THPT, nhất là dịp đầu năm học. Cùng đó, có không biết bao nhiêu vụ việc liên quan tới học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi quy định được lực lượng chức năng tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm từ năm 2023 đến nay. Vậy nhưng, tình trạng học sinh sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi điều khiển vẫn diễn ra nhức nhối và là mối lo của xã hội.
Điều đáng nói, các vụ tai nạn giao thông do học sinh điều khiển xe khi chưa đủ tuổi gây ra thường hậu quả rất nghiêm trọng do hầu hết học sinh phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, không tuân thủ làn đường và các biển báo giao thông. Thậm chí, rất nhiều học sinh cố tình “nẹt pô”, vượt đèn đỏ.
Câu chuyện đau lòng về vụ tai nạn xảy ra lúc 19h ngày 27/9 tại đường Yên Trung, thuộc TDP 8, thị trấn Đức Thọ, khiến cô giáo H.T.T.H. (SN 1971, trú tại thôn Quang Lộc 2, xã Quang Vĩnh) mãi mãi không trở về nhà, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng điều khiển xe máy.
Vào thời điểm đó, nam sinh H.N.Ng. (SN 2009, trú tại thôn Đông Dũng, xã An Dũng) điều khiển xe máy chở theo N.Q.C. (SN 2010, thôn Phúc Lộc, xã Bùi La Nhân) di chuyển trên đường Yên Trung theo hướng từ đê La Giang ra ngã tư Bà Viên và xảy ra va chạm với xe máy mang BKS 38C1-372.xx do chị H.T.T.H. (SN 1971, trú tại thôn Quang Lộc 2, xã Quang Vĩnh) cầm lái. Vụ va chạm khiến chị H. bị thương nặng, sau đó tử vong.
Chị H.T.T.H. là giáo viên, đang công tác tại Trường Mầm non Quang Vĩnh (Đức Thọ). Chị H. có 3 con nhỏ, chồng không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Trước đó, cũng trong tháng 9 này, tại TP Hà Tĩnh xảy ra một vụ tai nạn giao thông gây chết 1 người do va chạm giữa 2 xe mô tô liên quan đến người dưới 16 tuổi điều khiển.
Cũng tại TP Hà Tĩnh, cuối năm 2023, tại hồ Bảy Mẫu (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) xảy ra vụ truy đuổi khiến anh T. bị tử vong. Vụ việc này vừa mới được Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh xét xử, tuyên án 19 thanh thiếu niên về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Vô ý làm chết người” (các phiên xét xử kéo dài trong tháng 9/2024).
19 thanh thiếu niên “dính án” khi tuổi đời còn rất trẻ, đa số đang học tập trên ghế nhà trường là nỗi đau của chính các bị cáo, người làm cha mẹ và cả nhà trường. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, giá như các cậu học sinh không điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi thì biết đâu đã không có những cuộc gọi điện “trợ giúp”, những nhóm hội hẹn nhau “thanh toán” khi khoảng cách cư trú của các em là khá xa nhau.
Hiện nay, qua quan sát của người dân, trên tất cả các địa bàn tỉnh, thậm chí tại TP Hà Tĩnh, tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, trong đó có việc điều khiển mô tô để đến trường đang diễn ra phức tạp. Điều đáng băn khoăn là, ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền liên tục về chấp hành pháp luật giao thông, trong đó nghiêm cấm học sinh điều khiển phương tiện mô tô.
Theo một số người dân, sở dĩ giữa “ban ngày ban mặt” vẫn xuất hiện nhiều học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, thậm chí rất nhiều học sinh điều khiển xe mô tô để đến trường là do chính phụ huynh đã giao xe cho con, đồng thời có sự tiếp tay từ người khác thông qua “dịch vụ gửi xe” ngoài nhà trường.
Đã có nhiều phiên tòa xét xử hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển. Cùng đó, rất nhiều lời “giá như” đã được thốt lên sau các vụ việc đau lòng gây chết người, hư hại tài sản liên quan đến học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi. Tuy vậy, chẳng biết đến bao giờ, tình trạng học sinh vi phạm khi điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi mới được cảnh báo ở mức cao nhất, ngay tại các gia đình.
Có lẽ chỉ khi nào sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội được vận hành đồng bộ, cùng đó, ngành chức năng, nhất là tại địa phương cơ sở vào cuộc thực sự quyết liệt, tuần tra, xử phạt nghiêm minh thì khi đó tình trạng học sinh vi phạm khi điều khiển phương tiện xe máy khi chưa đủ tuổi mới có hy vọng giảm mạnh.