Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.

Cây đổ ngổn ngang trên phố Hàng Bài. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tôi đi từ Giải Phóng đến Lê Duẩn, qua công viên Thống Nhất - Hồ Thiền Quang thấy cây nằm tan tác. Quang Trung - Hồ Xuân Hương- Nguyễn Du - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Lê Lai - Lê Thái Tổ - Bà Triệu… nhiều cây lâu năm, cổ thụ bật gốc. Có cây mấy người ôm nằm xoà ra chắn cả một con phố. Quanh Hồ Gươm rất nhiều cây gãy đổ, có biết bao cây quý, cây di sản từ bao giờ đã ở cạnh trụ sở cơ quan công quyền của Thành phố như biểu tượng văn hóa, che chắn nắng mưa cho người đi đường. Những con phố dài, cổ kính xanh bóng đa, si, xà cừ, sữa, sưa, sấu, phượng vĩ…giờ ngổn ngang cành lá xác xơ. Tiếc nhất là một cổ thụ bật gốc ở đền Bà Kiệu… Thương Cây đa Bác Hồ trồng trong công viên Thống Nhất từ mùa xuân năm 1960 - năm Bác phát động Tết trồng cây, qua một đêm cũng bị bão làm tơi tả.

Những con phố đẹp nhất như Phan Đình Phùng, sau bão chẳng khác chi một khu rừng tan tác gió mưa.

Buổi sáng hôm ấy, trong số người Hà Nội đổ ra đường, tôi gặp một chị chạy bộ quanh Hồ Gươm dừng lại chụp một cây bị gãy ven hồ. Nhựa cây trào ra như tứa máu. Tôi cũng gặp những khách du lịch nước ngoài dừng lại bên những gốc cây bị bão quật ngã, nhìn ngắm và ngẫm ngợi khá lâu. Những ai đã sống ở thành phố này, dù đến mưu sinh hay sinh ra ở đây, ai mà không ngẩn ngơ tiếc nhớ những cây ven hồ vừa bị bão quật đổ đêm qua.

Những người bạn thân, lo bão dữ gây hại cho người thủ đô, nhắn tin, gọi điện hỏi thăm: “Ngoài đó bão to quá, gia đình ổn cả chứ?”. Tôi trả lời: “May, mọi người ở trong nhà không ra đường, bọn trẻ được thành phố cho nghỉ học nên đều ổn. Nhưng sáng ra, Hà Nội cả ngàn cây gãy đổ tan tành !”. Một người bạn kể, “em coi trên mạng mấy tỉnh bị bão ngoài đó, xót ruột ghê. Tiếc nhất là những cái cây. Cứ như qua một trận B52 rải thảm!”.

Bạn tiếc là đúng rồi, vì sau đợt bão này, biết bao giờ mới trồng lại được những cây xanh như vậy? “Nhà cửa hư hỏng sửa lại sớm được. Em tiếc từng cái cây lắm. Tốn kém biết bao tiền của để khắc phục…!”.

Nhìn bức ảnh tôi chụp cổ thụ mấy người ôm bị bão quật ngã, Nhà văn Niê Thanh Mai từ đại ngàn Tây Nguyên, thốt lên: “Thương Hà Nội quá anh ạ!”. Trùng hợp làm sao, Niê nhận ra bức ảnh tôi chụp cội đa đổ ở ngã ba Đinh Tiên Hoàng - Lò Sũ bên đền Bà Kiệu, chính là cây chị vừa chụp ảnh lần ra thăm Thủ đô. “Ôi cái cây này em vừa chụp dưới gốc cây tháng trước! Xót xa quá anh. Cây ngã đổ đều rất to và rất lâu đời!”.

Từ Đà Nẵng, nhà báo Trần Tuấn nói: “Đám tang tập thể cho những Cụ cây Hà Nội!”. Anh Trần Tuấn gọi cụ cây đúng lắm. Hà Nội ngàn năm, không hiếm những cụ cây hàng trăm năm tuổi, đã lên chức cụ mấy lần, đã thành di sản đất kinh kỳ mà đâu cần hậu sinh phong tặng !

Cây đa phía trước Nhà thờ lớn bật gốc sau bão.

Suốt mấy ngày qua, trên Facebook chỉ thấy người ta kể chuyện về bão dữ, chuyện Hà Nội có những gốc cây đẹp và cao tuổi nhất bị bão quật ngã. Người ta xót xa vì cây đa trăm tuổi phố Nhà Thờ xác xơ cành lá gãy vụn, phủ đầy mặt đất. Người ta buồn thương cây hoa sưa gần Lăng Bác, nơi các thiếu nữ xinh tươi đến bên chụp hình, khoe những tà áo dài duyên dáng, đã bật gốc, mình đầy thương tích bất động trên vỉa hè.

Thống kê ban đầu, bão số 3 gây thiệt hại về tài sản và con người vô cùng lớn, con số đúng có lẽ ngoài sức tưởng tượng và sẽ còn tăng. Về cây xanh, riêng Hà Nội có hơn 25.000 cây bị đổ, gãy, không ít cổ thụ, cây di sản bật gốc, xót xa như rụng bàn tay!

Giữa lúc hậu quả bão số 3 ngổn ngang, làm đổ gãy hàng vạn cây xanh Hà Nội, có đơn vị đánh tiếng, để khắc phục nhanh hậu quả của bão và cần cây xanh để tạo cảnh quan cho đơn vị, họ muốn xin mua tất cả cây bị đổ về trồng để chăm sóc, phục hồi.

Cả thành phố ngổn ngang vì Yagi, góc Hồ Xuân Hương, cạnh cơ quan tôi một cây to bị bão quật ngã. Nhưng cây Hoàng lan và cụ xà cừ thì vẫn đứng vững trong bão tố ngay trước phòng làm việc của tôi.

Những đêm chuyển gió heo may, cây Hoàng Lan sẽ lại trổ bông, tỏa hương hoa thơm ngát cả một khu phố ven hồ.

Nhưng bài toán của thành phố là phải làm sao khắc phục hậu quả bão gây ra đối với cây xanh, dù biết không dễ chút nào. Cây có đời cây, người có đời người. Trồng cây mới, dễ thôi, nhưng đó lại là chuyện khác. Bảo tồn và cứu cây, nhất là cổ thụ trầm tích chuyện của cây, của người, của bề dày văn hoá lịch sử Thủ đô, bị bão đánh gãy đổ mới khó.

Ngay trong lúc Hà Nội ngổn ngang, công ty công viên cây xanh và lực lượng chức năng khẩn trương dọn dẹp, cắt bỏ cây ngã đổ, thì vẫn còn những cây bật gốc, vẫn đang cố bám rễ vào đất, như muốn được sống tiếp cuộc đời của cây.

Cây có cái thức của cây, sống lâu đời trở thành linh mộc. Cha ông ta thường nói, thần cây đa ma cây gạo, là nói cây cũng linh thiêng, khi gắn bó với đời sống tâm linh con người.

Người dân chụp hình tiếc nuôi cây gãy đổ bên Hồ Gươm.

Nhưng cây sống được phải nhờ vào đất. Cây và đất là lương duyên, chỗ nương tựa, gắn bó, tương hỗ, nhờ đó mà cây sinh trưởng mỗi ngày và đất cũng hồi sinh mỗi lúc. Đó là mối tình của trăm năm, nghìn năm. Nhạc sỹ Tô Thanh Tùng đã viết rất hay về “mối tình” giữa cây và đất: Đất vắng cây, đất ngừng hơi thở/ Cây thiếu đất - cây sống với ai? Chuyện trăm năm ân tình cây và đất, đem đến môi sinh mạch sống cho đời.

Cũng thế, cây xanh với con người có mối duyên bền chặt, sâu dày. Cây hiến tặng môi sinh cho người. Người nâng đỡ, chăm sóc, bảo vệ cây. Một điều hiển nhiên, không có cây xanh thì không có con người. Không có cả trái đất màu xanh này. Với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, văn minh, hiện đại, cây không chỉ là lá phổi xanh mà chính là di sản, là biểu tượng văn hóa của thành phố.

Phải chăng vì thế mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, khi đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố, đã yêu cầu: “Đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ; vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian”.

tienphong.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói