Chuyện chưa kể sau những tấm huy chương Olympic

Đằng sau thành tích tuyệt vời của đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic năm 2017 là những người thầy đầy nhiệt tâm và tình yêu thương.

chuyen chua ke sau nhung tam huy chuong olympic

PGS. TS Đào Thị Phương Diệp cùng đoàn Olympic Hóa học 2017

Câu chuyện của PGS. TS Đào Thị Phương Diệp - Phó trưởng khoa Hóa học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó trưởng Đoàn Olympic Hóa học 2017 - cho chúng ta thấy rõ hơn hành trình của những giọt mồ hôi và những nụ cười chiến thắng.

Chuyện 4 người lạ cùng "chung nhà"

PGS Đào Thị Phương Diệp kể: Cùng với các đội tuyển Toán, Vật lý, Tin học và Sinh học, đội tuyển Hóa học năm nay được thành lập từ ngày 20/4/2017.

Ấn tượng đầu tiên là cả 4 chàng trai của đội tuyển Hóa đều rất thông minh, lanh lợi và cũng rất hồn nhiên, mỗi người một vẻ. Trong số đó, có 3 em người Hà Nội và 1 người Nghệ An.

Khác với những năm trước, năm nay, cả đội tuyển đều ở nội trú trong ký túc xá để cùng học tập, trao đổi bài, vừa tạo không khí học tập, vừa tăng tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhưng với lứa tuổi học sinh, rất hồn nhiên hiếu động, chưa quen tự lập, do đó thời gian đầu khi sống tập trung, các em nghịch ngợm, chơi đùa nhiều, thậm chí còn chơi điện tử… Ngay sau khi biết được thông tin đó, chúng tôi đã họp với đội tuyển nhắc nhở, rút kinh nghiệm…, và rất may, với ý thức tự giác, tiếp thu nhanh, mọi việc đã nhanh chóng đi vào nề nếp.

Trong số đó, em Nguyễn Bằng Thanh Lâm luôn gương mẫu, khiêm tốn học hỏi, rất tập trung, nghiêm lúc trong từng giờ học lí thuyết cũng như từng giờ thực hành. Và quả thật, Lâm đã thành công!

Cũng theo chia sẻ của PGS Đào Thị Phương Diệp, thời gian tập huấn của đội tuyển Hóa học năm nay chỉ có 76 ngày, ít hơn gần 3 tuần so với các năm 2014, 2015 và 2016, nhưng công tác tập huấn vẫn được chuẩn bị đầy đủ chu đáo và được thực hiện nghiêm túc ngay từ những ngày đầu.

"Cũng như mọi năm, căn cứ vào nội dung của bài tập chuẩn bị của nước đăng cai, chúng tôi mời không những các thầy cô có uy tín, dày dạn kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng đội tuyển theo từng lĩnh vực chuyên môn sâu, mà còn mời cả một số giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết tham gia tập huấn cho đội tuyển.

Công tác tập huấn năm nay đặc biệt chú trọng đến khâu thực hành. Chúng tôi tăng cường cả về thời gian cũng như xây dựng thêm nội dung các bài thực hành tương tự và sắp xếp các buổi thực hành xen kẽ đến tận tuần cuối của đợt tập huấn để các cháu thường xuyên được rèn kỹ năng thực hành" - PGS Đào Thị Phương Diệp cho hay.

chuyen chua ke sau nhung tam huy chuong olympic

Đoán đoàn trở về trong niềm vui chiến thẳng

Tranh đấu giành điểm cho học trò

Nhớ lại quá trình dẫn đoàn, PGS Đào Thị Phương Diệp cho biết, bên cạnh thuận lợi là được làm việc với những đồng nghiệp có trách nhiệm, tinh thần hợp tác tốt, khó khăn chủ yếu là việc trao đổi kết quả chấm với ban giám khảo nước bạn.

PGS Đào Thị Phương Diệp nhớ lại: Sau khi các em thi xong, Ban tổ chức photo bài làm của học sinh để gửi cho các thầy cô từng đoàn cùng chấm song song với nước chủ nhà, rồi sau đó hai bên cùng trao đổi kết quả.

Ví dụ, trong bài thực hành phân tích, em Đinh Quang Hiếu làm đúng, nhưng do trình bày không như đáp án và làm tắt, do đó giám khảo nước bạn đã không cho điểm.

Chúng tôi đã phải viết công thức tính để giải thích cách làm của em Hiếu cho ban giám khảo. Cuối cùng, họ phải công nhận và cho Hiếu nguyên điểm câu đó.

Cũng tương tự, trong một bài Hữu cơ, 2 thầy trong đoàn phải tranh luận khá "quyết liệt" với giám khảo nước bạn để giành từng điểm số chính đáng cho học sinh của mình…

Vì cả 4 học sinh đội tuyển năm nay đều giỏi và thông minh, hơn nữa các em được tập huấn, chuẩn bị rất kĩ lưỡng về cả lí thuyết và thực hành, nên trước khi đi, thầy cô cũng hi vọng kết quả sẽ tốt.

Tuy nhiên, khi chưa có kết quả cuối cùng thì vẫn chưa dám chắc điều gì. Chính vì vậy, sau khi thi xong, thậm chí ngay trong buổi bế mạc, khi Ban tổ chức công bố danh sách giải, cả đoàn đều rất hồi hộp, lo lắng…

Và sau khi huy chương Bạc cuối cùng đã được trao xong, cả đoàn vỡ òa với những giọt nước mắt sung sướng và xúc động vì kết quả tuyệt vời của đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên thật tiếc cho Hoàng Nghĩa Tuyến (Nghệ An), do sơ suất khi đọc nhầm số của một bài thực hành, nên em đã tuột mất huy chương Vàng, mà lẽ ra em xứng đáng được nhận.

Để có được thành công của đoàn năm nay, PGS Đào Thị Phương Diệp cho rằng, đó là do tổng hợp của nhiều yếu tố, như sự chỉ đạo trực tiếp và động viên kịp thời của Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT); sự dạy dỗ của thầy cô các trường chuyên, của gia đình; đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân chính các thành viên đội tuyển...

"Nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất dẫn tới kết quả này trước hết phải kể đến khâu thi chọn chính xác được 4 học sinh xuất sắc nhất thông qua tổ chức làm đề thi và chấm thi của vòng 1 và vòng 2.

Sau đó là công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội tuyển dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ tận tình của các thầy cô tâm huyết, có trình độ và giàu kinh nghiệm" - Phó trưởng đoàn chia sẻ.

Đoàn học sinh dự thi Olympic Hoá học quốc tế năm 2017 có 4/4 thí sinh dự thi đoạt huy chương, gồm 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc. Với thành tích này, Việt Nam xếp thứ 2 cùng Trung Quốc, sau nước Mỹ. Đây là kết quả cao nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay.

Theo Báo GD&TĐ

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.