Chuyển đổi số giúp hỗ trợ hiệu quả các đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ứng dụng phần mềm “Quản lý đối tượng trợ giúp xã hội và học viên học nghề tỉnh Hà Tĩnh”, Trung tâm Công tác xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật tỉnh đã và đang nỗ lực hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và Sở LĐ-TB&XH, từ tháng 2/2022, Trung tâm Công tác xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh (sau đây gọi là Trung tâm Công tác xã hội) đã triển khai việc khảo sát, đánh giá, can thiệp trợ giúp đối tượng tại cộng đồng và số hóa thông tin hồ sơ các đối tượng trợ giúp xã hội tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.

Chuyển đổi số giúp hỗ trợ hiệu quả các đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thực hiện việc cập nhật thông tin các đối tượng bảo trợ xã hội vào phần mềm quản lý.

Đến nay, trung tâm đã hoàn thành kế hoạch của năm 2022 với việc cập nhật thông tin, kết nối hệ thống các đơn vị trợ giúp xã hội cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên cấp xã để phục vụ hiệu quả, kịp thời công tác hỗ trợ cho đối tượng tại cộng đồng.

Cũng trong đợt này, Phòng Công tác xã hội của trung tâm đã về các địa phương trực tiếp khảo sát và cập nhật hồ sơ cho 128 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi trên toàn tỉnh trên hệ thống phần mềm “Quản lý đối tượng trợ giúp xã hội và học viên người khuyết tật học nghề tỉnh Hà Tĩnh”. Việc số hóa thông tin trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp trung tâm lên kế hoạch theo dõi thường xuyên và vận động xã hội để trợ giúp cho các em trong thời gian tới

Ông Bùi Xuân Thọ - Trưởng phòng Công tác xã hội, trung tâm Công tác xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh cho biết: “Trước đây theo cách thủ công truyền thống quản lý hồ sơ trên giấy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian trong tiếp cận thông tin các đối tượng. Nhưng nay, việc số hóa đã giúp chúng tôi thuận lợi hơn nhiều, đặc biệt khi có những tình huống rủi ro đột xuất xẩy ra đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, như: tai nạn, bị bạo hành, xâm hại… , trung tâm sẽ có hình thức can thiệp sớm, hỗ trợ nhằm tránh hoặc giảm nhẹ thiệt hại, tổn thương cho đối tượng”.

Chuyển đổi số giúp hỗ trợ hiệu quả các đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh

Giao diện phần mềm Quản lý đối tượng trợ giúp xã hội và học viên học nghề tỉnh Hà Tĩnh”.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thông tin đối tượng bảo trợ xã hội, vừa qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã kịp thời hỗ trợ trường hợp 4 trẻ mồ côi là con của chị Thái Thị Hằng ở phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh).

Vào ngày 10/8 vừa qua, chị Hằng gặp tai nạn và qua đời khi đang làm việc tại công trường xây dựng trên địa phương. Trước đó, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chồng mất vào năm 2017. Nhờ có sẵn dữ liệu trên hệ thống, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã nhanh chóng kiến nghị chính quyền và các đoàn thể địa phương kịp thời hỗ trợ gia đình.

Với sự vào cuộc nhanh chóng, bên cạnh động viên tinh thần các cháu nhỏ mồ côi, chính quyền và Nhân dân phường Đức Thuận cũng đã vận động được hơn 700 triệu đồng để lo việc mai táng cho chị Hằng và hỗ trợ cuộc sống lâu dài cho các cháu. Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng trực tiếp đến động viên và hỗ trợ 6 triệu đồng tiền mặt cho gia đình.

Chuyển đổi số giúp hỗ trợ hiệu quả các đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh

Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và đại diện chính quyền địa phương phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh) đến động viên và trao quà cho các cháu mồ côi con chị Thái Thị Hằng.

Số hóa dữ liệu các đối tượng bảo trợ xã hội không chỉ thuận tiện trong quản lý hồ sơ nhằm can thiệp sớm các trường hợp cụ thể mà còn giúp việc kết nối giới thiệu các đối tượng với mạnh thường quân để kịp thời hỗ trợ các đối tượng.

So với hồ sơ giấy trước đây cần nhiều thời gian làm thủ tục, giấy tờ rườm rà, nhiều giấy tờ đi kèm như: đơn, sổ hộ khẩu, sổ hộ nghèo, giấy xác nhận của chính quyền địa phương... thì nay, hồ sơ số chỉ cần một cú nhấp chuột, tất cả thông tin về đối tượng sẽ được chuyển đến nhà tài trợ.

Chuyển đổi số giúp hỗ trợ hiệu quả các đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trao quà cho 2 cháu Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Mạnh Cường là con của chị Nguyễn Thị Hải, đối tượng khuyết tật nặng, hoàn cảnh khó khăn ở xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) trong dịp khảo sát các đối tượng bảo trợ xã hội, tháng 7/2022.

Bên cạnh triển khai công tác xã hội, quỹ bảo trợ trẻ em, chuyển đổi số còn phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.

Dịp tháng 5/2022 vừa qua, thông qua hồ sơ điện tử, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã giới thiệu việc làm thành công cho 20 học viên nghề may vào làm việc tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh).

Cô Võ Thị Trâm - Giáo viên dạy nghề may tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: “Sau mỗi khóa đào tạo, các thông tin về học viên học nghề như: tên tuổi, nghề nghiệp được đào tạo, trình độ, kỹ năng, thế mạnh… đều được trung tâm cập nhật trên hệ thống thành một hồ sơ điện tử. Từ đó, tạo cơ sở để trung tâm quản lý, kết nối giới thiệu các học viên với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động, giúp các học viên nhanh chóng tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống”.

Chuyển đổi số giúp hỗ trợ hiệu quả các đối tượng bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh

Các học viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thử tay nghề tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh trước khi được nhận vào làm việc.

Cùng với xây dựng thành công phần mềm “Quản lý đối tượng trợ giúp xã hội và học viên học nghề tỉnh Hà Tĩnh” thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sẽ xúc tiến việc kết nối hệ thống với phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ, cộng tác viên phụ trách công tác chính sách cấp xã, phường, thị trấn thông qua việc cung cấp tài khoản truy cập hệ thống phần mềm để kịp thời thông tin qua lại, nhằm phát hiện để kịp thời hỗ trợ các đối tượng một cách hiệu quả nhất.

Ông Thái Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Hà Tĩnh cho biết: “Chuyển đổi số đã từng bước giúp chúng tôi thực hiện việc can thiệp sớm nhất để hỗ trợ các đối tượng một cách kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên hiện, chúng tôi vẫn gặp khá nhiều khó khăn, như: chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực quản trị công nghệ thông tin, kinh phí nâng cấp mạng lưới hệ thống quản lý...".

"Thời gian tới, chúng tôi rất mong tỉnh và ngành có sự quan tâm, tạo điều kiện để trung tâm phát huy hơn nữa hiệu quả của việc chuyển đổi số trong công tác xã hội và giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật nói chung ”- ông Thái Ngọc Lâm mong muốn.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ và “Hội chợ Tết nhân ái” 2025 là chương trình khởi đầu cho chuỗi hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương Hà Tĩnh chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Nhiều chính sách tác động đến đời sống người dân có hiệu lực từ tháng 1/2025 như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, cấm thuốc lá điện tử, quy định mới về đăng ký hộ khẩu...
Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Nghị quyết số 117/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.