Chuyên gia chỉ cách giảm nguy cơ mắc vi rút bệnh viêm phổi corona

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ nay đến 20/2/2020, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương có các cửa khẩu lớn, giáp với Trung Quốc. Sau đó, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh sẽ có những chỉ đạo ứng phó kịp thời.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện.

Không hoang mang nhưng cần cảnh giác trước dịch bệnh

Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi diễn ra chiều 15/1, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi có thông tin về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân xảy ra tại Vũ Hán, Trung Quốc, Bộ Y tế đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn để đánh giá tình hình và triển khai các biện pháp ứng phó.

Đến ngày 09/01/2020, Trung Quốc đã xác định được chủng vi rút mới thuộc họ coronavirus, đã có 41 trường hợp xét nghiệm dương tính với nCoV (bao gồm cả trường hợp tử vong). Trường hợp tử vong là nam 61 tuổi, thường xuyên đến mua hàng tại chợ Huanan ở thành phố Vũ Hán (nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận) và có tiền sử bị u ổ bụng và bệnh gan mạn tính.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch đáp ứng phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) với ba tình huống diễn biến dịch bệnh.

“Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng về thu dung, điều trị, hồi sức hô hấp, cung cấp máy thở kiểm soát dịch, phòng chống lây nhiễm. Duy trì đường dây nóng để điều trị, kiểm soát lây nhiễm, ngăn ngừa tử vong. Đồng thời theo dõi sát, cập nhật các hướng dẫn mới của WHO khi có điều chỉnh, áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm"- ông Khoa nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.

Hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, tuy vậy nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc.

Cũng theo ông Khoa, các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp vẫn áp dụng như với MERS- CoV, cúm gia cầm A(H5N1). Với mức độ lây nhiễm như hiện tại thì cách thức ứng phó như hiện nay là phù hợp. Chúng ta không quá hoang mang nhưng cần cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế. Các biện pháp được khuyến cáo là sử dụng khẩu trang cần áp dụng rộng rãi, tăng cường rửa tay bằng xà phòng... là cách ngừa lây nhiễm tốt.

10 ngày tiếp nhận 13 mẫu bệnh phẩm viêm phổi nặng do vi rút

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, với hệ thống giám sát của chúng ta hiện nay có đủ năng lực sẵn sàng giám sát, điều tra, thu dung bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm vi rút bệnh viêm phổi corona.

Chuyên gia dịch tễ cho hay, chỉ trong 10 ngày đầu năm 2020, Viện đã tiếp nhận 13 mẫu bệnh phẩm viêm phổi nặng do vi rút và làm các xét nghiệm cần thiết, xác định ngay các ca viêm phổi nặng do cúm chứ không phải do nguyên nhân nào khác. Các BV, cơ sở y tế ngay ở tuyến dưới cũng vẫn đang tiếp tục sàng lọc phát hiện sớm các ca bệnh nặng để chủ động ứng phó, gửi mẫu bệnh phẩm đến các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

“Xét nghiệm là công cụ cực kỳ quan trọng, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm xử lý các vụ dịch, đặc biệt là dịch SARS. Năng lực xét nghiệm, chẩn đoán tin cậy, hiện nay, phòng an toàn sinh học cấp 3 có đủ khả năng đối phó với bệnh mới, bệnh lạ chưa rõ nguyên nhân. Các chuyên gia đầu ngành về vi rút học vẫn đang túc trực sẵn sàng...”- PGS. Dương cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Dương cũng nêu khó khăn chung của việc xét nghiệm, chẩn đoán hiện nay là thiếu mồi đặc hiệu, trình tự gen, trứng dương để có thể chỉ đích danh loại vi rút này.

WHO khuyến cáo các biện pháp giảm nguy cơ mắc vi rút bệnh viêm phổi corona.

Chưa có bằng chứng rõ ràng lây truyền từ người sang người

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasters TP.HCM, việc lây truyền vi rút bệnh viêm phổi corona từ người sang người hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.

Tuy nhiên, PGS. Lân cũng lưu ý, do đây là vi rút mới nên khuyến cáo dịch tễ lâm sàng, biện pháp phòng chống, đường lây truyền thông tin dịch tễ chưa đầy đủ.

Ca bệnh cuối cùng do virus mới này khởi phát là vào ngày 5/1. Đến nay đã được 10 ngày chưa ghi nhận ca bệnh mới. Chợ hải sản có thể là nguyên nhân lây truyền vi rút mới này đã đóng của 15 ngày. Như vậy có thể đã kiểm soát được nguồn bệnh. Tuy nhiên nếu tiếp tục phát hiện thêm các trường hợp mắc mới nữa thì khả năng xâm nhập vào nước ta là có thể - chuyên gia chỉ rõ.

Thực hiện phòng bệnh mạnh mẽ

TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam hoan nghênh ngành y tế Việt Nam đã có những kịch bản chủ động phòng chống dịch trong từng tình huống dịch bệnh xảy ra. Đồng thời kích hoạt hệ thống truyền thông nguy cơ, chia sẻ thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác của ngành y tế đến người dân khi đối mặt với dịch bệnh mới.

Toàn cảnh cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.

Đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo, thời điểm gần Tết Nguyên đán, có lưu lượng người đi lại, gặp gỡ và tiệc tùng tăng cao. Vì vậy, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm thường gặp (hay còn gọi là các bệnh mùa đông xuân) có thể gia tăng, ví dụ cúm, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính khác.

Người dân cần thực hành các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cá nhân, giữ phép lịch sự khi ho (ví dụ: giữ khoảng cách, dùng khăn mùi xoa hay khăn giấy khi ho hay hắt hơi, và rửa tay); rửa ray thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với người ốm hoặc môi trường xung quanh họ.

Các biện pháp này sẽ giúp bảo vệ bạn tránh khỏi các bệnh mùa đông xuân cũng như bệnh viêm phổi do virus này, mặc dù nguy cơ xâm nhập của bệnh hiện tại là tương đối thấp.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Việc phòng chống dịch không chỉ của riêng Ngành Y tế mà cần phải có sự chung tay của tất cả các Bộ/Ngành, đơn vị liên quan. Thứ trưởng đề nghị Cục Y tế dự phòng thường xuyên cập nhật thông tin theo cấp độ, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra khuyến cáo về cách phòng chống bệnh một cách cụ thể, hiệu quả; cùng với đó cần tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh ở cửa khẩu cũng như địa bàn các tỉnh có đường biên giới hay khách du lịch từ tỉnh Vũ Hán Trung Quốc tới Việt Nam cũng như duy trì mức cảnh báo ở Việt Nam.

“Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo kiểm tra giám sát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện đồng thời phổ biến hướng dẫn điều trị phổi cấp do chủng vi rút mới corona. Khi có dịch bệnh ở đâu phải điều trị tại đó, tránh vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên gây lây lan dịch bệnh”- Thứ trưởng nói.

Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng cung cấp thông tin kịp thời về dịch bệnh và cách phòng chống; tăng cường nội dung về dịch bệnh trong chương trình điểm tin và thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho Lãnh đạo Bộ về dịch bệnh.

Vụ Kế hoạch tài chính lên kế hoạch cũng như chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời hướng dẫn các tỉnh, đơn vị lên kinh phí cụ thể chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống dịch.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kế hoạch hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh, các địa phương đồng thời tăng cường giám sát lấy mẫu bệnh phẩm khi có nghi ngờ. Bên cạnh đó cần chuẩn bị phương tiện để phối hợp hỗ trợ kịp thời cho các tuyến. Các thành viên Ban chỉ đạo cần thường xuyên trao đổi để công tác phòng chống dịch đạt được kết quả tốt nhất.

Theo SKĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói