Chuyện nuôi tôm - buồn vui lẫn lộn

Vụ tôm Xuân hè này, bà con nông dân toàn tỉnh đưa vào nuôi hơn 2.000ha tôm, trong đó 1050 ha tôm thẻ chân trắng, 950 ha tôm sú. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức nhưng đây là vụ mùa đạt được kế hoạch đề ra với tổng sản lượng gần 2.500 tấn, tổng giá trị ước tính gần 240 tỷ đồng.

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Vụ tôm Xuân Hè năm nay, thời tiết diễn biến khá bất lợi, nắng nóng kéo dài xen lẫn mưa đột ngột đã làm cho môi trường nuôi tôm bị biến động dẫn đến tôm phát triển chậm. Bên cạnh đó, hệ thống ao hồ của các hộ nuôi tôm quảng canh chưa được đầu tư nhiều nên chưa đảm bảo đúng yếu tố kỹ thuật như độ sâu, mức nước và các điều kiện ứng dụng về công nghệ vẫn còn hạn chế. Một khó khăn nữa của bà con nông dân trong vụ này là giá cả tôm giống, thức ăn cao hơn so với những năm trước từ 10-20%, cụ thể như thức ăn tăng từ 4 đến 5ngàn đồng/kg, từ 20 đến 30 đồng/con giống.

Điều đáng nói là giá cả của con giống đã cao lại còn khan hiếm đồng thời chất lượng cũng chưa được kiểm soát, các hộ nuôi phải lặn lội hằng trăm cây số vào tận các tỉnh Nha Trang, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bình Định...để đưa được tôm giống về nuôi . Năm nay, hộ gia đình anh Nguyễn Đức Thuận - xóm Đông Hà 2, xã Thạch Long phải vào tận Công ty Việt Úc ở Bình Định để mua 80 vạn con giống với số tiền 72 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng con giống thì anh trả lời: "Chúng tôi cũng chỉ biết đặt lòng tin vào người bán thôi chứ làm sao mà kiểm tra được chất lượng". Một khó khăn lớn nữa là bước vào đầu mùa vụ, dịch bệnh đốm trắng bùng phát ở một số địa phương như Kỳ Anh, Lộc Hà đã làm cho 90 ha tôm bị chết, gây thiệt hại rất nhiều cho các hộ nuôi tôm

Bà con nông dân Cẩm Xuyên thu hoạch vụ tôm
Bà con nông dân Cẩm Xuyên thu hoạch vụ tôm

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Lường trước những khó khăn và để đạt được kế hoạch đề ra, các ngành chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục nuôi trồng thủy sản cùng các cấp các ngành đã vào cuộc một cách quyết liệt. Anh Lương Sỹ Công - Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục nuôi trồng thủy sản cho biết:" Sau khi kết thúc vụ tôm Đông Xuân, ngay từ đầu mùa vụ Xuân hè, Chi cục nuôi trồng thủy sản đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ phòng nông nghiệp các huyện, thị xuống tận nơi hướng dẫn bà con nông dân nhanh chóng cải tạo lại ao hồ, phơi đáy hồ, vệ sinh xung quanh, xử lý môi trường hồ nuôi trước khi thả tôm giống. Đối với các hồ nuôi tôm của vụ trước bị dịch bệnh đốm trắng, các chủ hộ cũng được hướng dẫn cải tạo sạch sẽ và khử trùng tốt, đảm bảo nguồn nước sạch để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, người dân cũng được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đầy đủ về kỹ thuật chọn giống và giới thiệu các cơ sở giống có uy tín, chất lượng".

Phải khẳng định rằng vụ tôm năm nay đạt chỉ tiêu đề ra là nhờ bà con nông dân trong toàn tỉnh đều tuân thủ việc xuống giống đúng lịch thời vụ (thả từ ngày 5/4 đến 5/5) và các kỹ thuật nuôi tôm được hướng dẫn. Điểm mới trong vụ tôm này đó là cùng với hình thức nuôi tôm trên cát thì nuôi tôm trên ao đất lót bạt, vỗ bờ xi măng được nhiều hộ nuôi áp dụng. Với hình thức nuôi này chi phí chỉ bằng 1/4 so với nuôi tôm trên cát nhưng năng suất hiệu quả khá cao, nhất là những vùng đã bị dịch bệnh nhiều năm hoặc những vùng nuôi tôm kém hiệu quả.

Vụ này, 35 hộ ở các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã mạnh dạn đầu tư để cải tạo, nâng cấp hồ đầm nuôi tôm của mình, lót bạt, vỗ bờ xi măng với tổng diện tích 60ha, chi phí 150 đến 200 triệu đồng 1ha. Tiêu biểu như HTX nuôi trồng thủy sản Hải Minh, xã Thạch Trung năm nay đã đầu tư gần 500 triệu đồng để vỗ bờ xi măng và lót bạt cho 3ha diện tích hồ nuôi tôm, đến cuối mùa thu hoạch gần 26 tấn, sau khi trừ mọi chi phí thì lãi khoảng 300 triệu đồng; Công ty TNHH Phú Mại ở Hộ Độ cũng mạnh dạn đầu tư theo mô hình này cho 5ha diện tích hồ nuôi, nhờ vậy mà tổng sản lượng đạt 70 tấn cho doanh thu gần 6 tỷ đồng. Năm nay, Cẩm Xuyên và Thạch Hà là 2 địa phương được đánh giá có năng suất đạt cao nhất toàn tỉnh. Cụ thể như Cẩm Xuyên thu hoạch hơn 300 tấn trên 220ha diện tích, năng suất đạt 1,36 tấn/ha; còn Thạch Hà thu hoạch 360 tấn tôm trên 250 ha diện tích, năng suất đạt 1,44 tấn/ha.

Thị trường và giá cả còn bấp bênh

Vào thời điểm thu hoạch tôm, chúng tôi có về một số địa phương để tìm hiểu về giá cả tôm. Nhìn chung, giá tôm vụ này giảm từ 25-30% so với các vụ trước, cụ thể như tôm thẻ có giá 70 - 80 nghìn/cân, tôm sú có giá 140-150 cân. Được biết, ở địa bàn Hà Tĩnh có 2 công ty chế biến thủy hải sản đó là Nam Hà Tĩnh ở Kỳ Anh và Đò Điệm ở Thạch Hà. Tuy nhiên, như vụ Xuân Hè năm nay, 2 công ty này cũng chỉ thu mua khoảng gần 300 tấn tôm, tức là hơn 10% so với tổng sản lượng mà bà con nông dân toàn tỉnh thu hoạch được, số còn lại bà con nông dân đều phải bán cho các thương lái ở Quảng Bình, Hà Nội và ở trong tỉnh với giá cả không ổn định.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân vì sao các công ty này lại thu mua tôm với sản lượng ít như vậy là vì chưa có sự thỏa thuận thống nhất hợp lý giữa bà con nông dân và các công ty. Cùng với đó là các công ty này cũng chưa chuyên về chế biến tôm mà chủ yếu là các sản phẩm về cá và mực. Hiện, Hà Tĩnh đang có hướng đến năm 2015 sẽ thành lập nhà máy chế biến xuất khẩu tôm. Khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được bài toán khó về đầu ra cho tôm, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast