Hà Tĩnh thu ngân sách tăng khá, vững tin cán mốc 17.500 tỷ đồng

(Baohatinh.vn) - Đi qua 1/3 chặng đường của năm 2024, Hà Tĩnh thu ngân sách ước đạt hơn 6.228 tỷ đồng (bằng 35,5% dự toán cả năm). Tổng thu tăng cho thấy sự tăng trưởng tích cực của KT-XH những tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ

Theo thống kê của các cơ quan tài chính, 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước của Hà Tĩnh ước đạt hơn 6.228 tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán cả năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 3.128 tỷ đồng (đạt 38,6% dự toán); thu xuất nhập khẩu ước đạt gần 3.100 tỷ đồng (đạt 30,8% dự toán).

4.jpg
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là doanh nghiệp "đầu tàu" đóng nộp ngân sách lớn cho Hà Tĩnh.

Không tính thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì số thu thuế, phí nội địa ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 32,4% dự toán và tăng 42% so với cùng kỳ. Một số sắc thuế tăng khá như: Thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế bảo vệ môi trường...

Trong lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn đóng vai trò là đơn vị dẫn đầu. Ngoài ra, một số DN như: Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2, Công ty CP Giải pháp Năng lượng VinES Hà Tĩnh... đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư xây dựng nhà máy cũng góp phần tăng thu ngân sách.

z5389827971424_9359657e0aea90eed51abf9723a72066.jpg
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II đang thi công góp phần tăng thu thuế khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kết quả ấn tượng về thu ngân sách những tháng đầu năm làm sáng lên bức tranh KT-XH của tỉnh. Đây cũng là tiền đề, động lực để Hà Tĩnh tiến đến mục tiêu thu ngân sách cán mốc 17.500 tỷ đồng. Theo đánh giá từ các cơ quan tài chính tỉnh, thu ngân sách những tháng đầu năm tăng là nhờ tình hình KT-XH phục hồi và duy trì đà tăng trưởng. Đây là thành quả của các chương trình, chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đã triển khai từ sau đại dịch COVID-19 đến nay. Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong điều hành KT-XH, góp phần tạo đà tăng thu.

Ông Trịnh Văn Ngọc - Giám đốc Sở Tài chính cho hay: “Để đạt được kết quả trên phải kể đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cơ quan tham mưu triển khai nhiệm vụ và cấp ủy, chính quyền các cấp. Kết quả thu ngân sách là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh thực hiện thắng lợi mục tiêu điều hành ngân sách năm 2024”.

Tiếp tục bám sát “kịch bản”

Với kết quả thu ngân sách tăng trưởng trên các lĩnh vực, các đơn vị thu đang tự tin tiến những bước vững chắc đến mục tiêu dự toán năm 2024. Tuy nhiên, xác định vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nên công tác thu ngân sách luôn được các đơn vị liên quan chủ động triển khai “kịch bản” thu.

0.jpg
Cán bộ Cục Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách tài khóa của Chính phủ trong năm 2024.

Theo đó, từng tháng, Cục Thuế tỉnh tập trung chỉ đạo các chi cục khu vực rà soát, phân tích các nguồn thu mới phát sinh, có dư địa; nắm rõ tình hình SXKD của người nộp thuế; tác động của kinh tế theo từng lĩnh vực, sắc thuế, DN trọng điểm... để có giải pháp chỉ đạo thu kịp thời. Ngành thuế cũng tập trung khai thác các nguồn thu từ dự án đầu tư mới phát sinh hoặc còn tiềm năng như: thuế bảo vệ môi trường, nhiệt điện, các DN theo chuỗi liên quan đến DN hoàn thuế, DN khai thác tài nguyên, chuyển nhượng bất động sản, vận tải...

Ông Trần Nghị - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ngành thuế sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hóa đơn điện tử, triển khai các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn; tăng cường quản lý hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; tăng cường kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ số thuế nợ đọng của từng người nộp thuế, phân loại nợ thuế theo tình trạng thuế, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định. Song song với đó, Cục sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất và thường xuyên về công tác chấp hành kỷ luật lao động, văn hóa công sở tại các bộ phận, đơn vị; xây dựng phong cách, thái độ làm việc trách nhiệm cao, chuyên nghiệp”.

3.jpg
Hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan. Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo bước đột phá, thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử, việc xử lý phản hồi của cơ quan hải quan cho DN cũng thực hiện thông qua hệ thống điện tử, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan trong các khâu.

Ông Đinh Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Với tinh thần phục vụ DN, chúng tôi luôn tích cực lắng nghe và kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh thuộc phạm vi xử lý; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn giải quyết nhiều vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu”.

Ngoài việc tăng cường các biện pháp quản lý thu, biện pháp căn cơ và lâu dài được các cơ quan tài chính Hà Tĩnh đề xuất là tích cực hỗ trợ DN hoạt động SXKD để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo đà đưa số thu ngân sách tăng trưởng bền vững, sớm cán mốc 17.500 tỷ đồng.

Chủ đề Thu ngân sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast