Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 5, năm 2023 diễn ra trong 5 ngày (từ 6 - 10/1) với quy mô hơn 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cùng nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh và một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang.
Lễ hội năm nay tiếp tục mang đến cho khách tham quan các sản phẩm chất lượng từ những vùng trồng cam ngon nổi tiếng, chất lượng hàng đầu của Hà Tĩnh như huyện Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang...
Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 7.710 ha diện tích trồng cam, trong đó, diện tích cây cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 1.997 ha. Năng suất vụ cam năm 2022 ước đạt 10 - 12 tấn/ha với tổng sản lượng gần 65.000 tấn. Cây cam đã mang lại thu nhập lớn cho người dân nhiều địa phương trong tỉnh.
Anh Nguyễn Quốc Hùng - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Đức Lạng (huyện Đức Thọ) đang sản xuất trên diện tích 7.6 ha, sản lượng vụ cam năm 2022 đạt khoảng 60 - 70 tấn. Anh Hùng chia sẻ: “Chúng tôi hi vọng đến với lễ hội sẽ giới thiệu và quảng bá nhiều hơn đến người tiêu dùng sản phẩm của tổ hợp tác”.
Các sản phẩm cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...
... có tem nhãn dán khi xuất ra thị trường, tăng thêm giá trị cho sản phẩm và tạo được niềm tin cho khách hàng.
Gian hàng Thanh niên thu hút khách tham quan bởi cách trang trí đẹp mắt, sáng tạo.
Lễ hội năm nay, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kết nối với Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đưa một số sản phẩm chủ lực của miền cực Bắc Tổ quốc tham gia trưng bày, giới thiệu như: cam sành, chè shan tuyết, tinh bột nghệ, nấm hương…
Chị Đỗ Thị Hiền - Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Nam (xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, Hà Giang) cho biết: “Chúng tôi mang đến đây gần 7 tấn cam với mong muốn được quảng bá nhiều hơn sản phẩm cam sành và cam Hà Giang đến với người tiêu dùng tại Hà Tĩnh".
Bên cạnh các loại cam chất lượng, còn có sự góp mặt của nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh như: trầm hương, mật ong, nước mắm, giò, nhung hươu...
Anh Nguyễn Hữu Duẫn - chủ cơ sở sản xuất giò chả Thành Duẫn (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) chia sẻ: “Nhờ sự ủng hộ của khách hàng, trong ngày đầu tiên khai hội chúng tôi đã bán được 12 triệu tiền giò. Cơ sở đang tiếp tục mang sản phẩm đến để phục vụ khách hàng, hi vọng trong những ngày tiếp theo sẽ bán được nhiều và có thêm mối khách quen”.
Nhờ đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã, các sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh đã có chỗ đứng trên thị trường.
Các sản phẩm hương trầm của Cơ sở hương trầm Phúc Trạch Đinh Gia (Hương Khê) như: trầm nụ, hương thẻ, trầm vòng... nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng.
Khách tham quan tìm hiểu thông tin sản phẩm để lựa chọn sử dụng cho gia đình, biếu làm quà dịp tết sắp đến.
Ban Tổ chức cũng bố trí thêm điểm “check in” để tạo điểm nhấn cho lễ hội và không khí chào xuân Quý Mão 2023. Với cách bài trí ấn tượng, nhiều người dân, du khách đã đến tham quan và mua sắm tại lễ hội.