Giáo dục

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Giữa bao la rừng núi, điểm Trường Tiểu học Phú Gia tại bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn luôn rộn ràng niềm vui từ 2 lớp học ghép, với 34 học sinh chủ yếu là dân tộc Lào. Vượt qua khó khăn, những người giáo viên cắm bản vẫn miệt mài bám lớp để thực hiện sứ mệnh “gieo chữ”.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Sau hơn 45 phút di chuyển bằng ô tô, chúng tôi mới vượt qua tuyến đường độc đạo dài hơn 20 km, nối trung tâm xã Phú Gia với bản Phú Lâm. Đây là một trong những điểm trường cách trở nhất trên vùng biên viễn huyện Hương Khê. Nơi đây, có 2 cô giáo đã 26 năm cắm bản, phụ trách các lớp học ghép của học sinh, chủ yếu là người dân tộc Lào.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài đã có 26 năm gắn bó với các thế hệ học sinh ở bản Phú Lâm.

26 năm gắn bó với núi rừng, gắn bó với biết bao thế hệ học sinh, cô Bùi Thị Hồng Hoài (SN 1967) quê ở Đức Thọ giờ đã trở thành người của bản Phú Lâm. Thời gian trôi đi, nhưng ấn tượng về những ngày đầu cắm bản vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cô giáo.

“Hồi đó, lớp học được đặt nhờ ở nhà dân. Để đến lớp, phải lội qua 5 con suối, tôi cũng chẳng nhớ mình bị ngã bao nhiêu lần nữa, chỉ biết rằng, dù người có bị ướt nhưng sách vở, giáo án vẫn phải cố gắng bảo quản, giữ gìn khô ráo”, cô Hoài chia sẻ.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Một giờ lên lớp của cô Hoài

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Mỗi ngày trôi qua, cô trò lại cùng nhau tìm hiểu những kiến thức mới.

Với những giáo viên cắm bản vùng sâu, vùng xa như cô Hoài, khó khăn vất vả không chỉ ở đường sá hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn. Mà cái khó nhất là sự thay đổi tư duy về việc học của học sinh, phụ huynh, để không còn cảnh ngày ngày phải đến từng nhà vận động các em đến lớp.

“Ở bản Phú Lâm, người dân còn khó khăn lắm, cuộc sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào rừng núi, làm thuê, làm mướn, nên một số gia đình vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc học của con cái. Học sinh ở đây rất thiệt thòi bởi điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường khó khăn. Chính vì thế, việc duy trì sỹ số học sinh là niềm vui nhất của chúng tôi trong mỗi ngày đến lớp” - cô Hoài chia sẻ.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Hơn 2 năm nay, mỗi ngày, cô Hoài lại chở cậu học sinh lớp 4 - Trần Trung Kiên vượt quãng đường núi hơn 4 km để đến trường.

Cho đến tận bây giờ, cô Hoài vẫn giúp các bậc phụ huynh duy trì việc đưa đón học sinh ở gần nhà. Hơn 2 năm nay, mỗi ngày, cô Hoài lại chở cậu học sinh lớp 4 - Trần Trung Kiên vượt quãng đường núi hơn 4 km để đến trường.

“Bố mẹ phải đi rừng, ra ruộng làm việc kiếm thêm tiền mua thuốc chữa bệnh thận cho em, nên mấy năm nay, cô Hoài đã trở thành người mẹ thứ 2 chăm lo cho em việc học. Mỗi ngày, cô đưa em đến trường, nhắc nhở em uống thuốc đúng giờ, hỗ trợ em kiến thức và động viên em không ngừng cố gắng. Việc học của em hôm nay là nhờ cô giáo” - Trung Kiên chia sẻ.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Cô Hoàng Thị Nguyệt cũng đã có 26 năm gắn bó với học sinh ở bản Phú Lâm.

Đây cũng là năm thứ 26, cô Hoàng Thị Nguyệt (SN 1968) trở thành giáo viên cắm bản ở Phú Lâm. Sinh ra và lớn lên ở xã Hương Vĩnh (Hương Khê), cô Nguyệt tự nhận mình đã quen với những vất vả khó khăn của người dân miền núi, thế nhưng, khi đến với bản làng, cô lại càng thấm thía hơn nỗi gian nan trên bước đường tìm con chữ của trẻ em nơi đây.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Sự đổi thay của mảnh đất biên cương là động lực để cô Nguyệt tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Chia sẻ về những tháng năm làm giáo viên cắm bản, cô Nguyệt cho hay: “Cũng đã có những lúc tôi muốn từ bỏ, thế nhưng lại nghĩ, nếu ai cũng như thế thì việc học của những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa sẽ ra sao. Thế rồi, những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ, những nét chữ, giọng đọc còn ngượng nghịu của học trò đã níu bước tôi lại với mảnh đất này”.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Mỗi một lứa học sinh trưởng thành chính là niềm hạnh phúc lớn của những người “gieo chữ”. Đến nay, đã 26 năm gắn bó với bản Phú Lâm, chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất, của con người nơi đây, những giáo viên cắm bản như cô Hoài, cô Nguyệt lại càng có thêm động lực để cống hiến.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Năm 2019 đã trở thành dấu mốc quan trọng đối với việc học của con em bản Phú Lâm. Từ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Đồn Biên phòng Phú Gia, báo điện tử VTC New, Quỹ Thiện Tâm đầu tư 500 triệu đồng tu sửa, nâng cấp khuôn viên điểm trường Phú Lâm. Những lớp học đơn sơ, tạm bợ đã được xóa bỏ, giáo viên, học sinh mới thực sự có trường, có lớp theo đúng nghĩa.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

2 lớp học được bố trí quay lưng lại với nhau

Cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia cho biết: “Những năm trước, điểm Trường Tiểu học Phú Gia ở bản Phú Lâm có học sinh độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 nên có 3 thầy cô giáo cắm bản. Nhưng năm học này, gần 130 hộ dân trong bản chỉ có 34 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, trong đó có 23 học sinh dân tộc Lào. Để đảm bảo việc học cho các em, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện mô hình ghép lớp 1-3 và lớp 2-4, giao cho 2 cô cắm bản phụ trách”.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Chứng kiến một giờ học của lớp ghép, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các cô. 2 chiếc bảng đen được đặt ở 2 đầu lớp học, học sinh ngồi quay lưng lại với nhau. Một mình cô tất bật như con thoi, hết hướng dẫn bài cho học sinh lớp lớn, lại quay sang hướng dẫn học sinh lớp nhỏ tập đọc, tập đánh vần… Để chuẩn bị giờ dạy, các cô phải soạn 2 chương trình giáo án, mỗi giờ học bố trí linh hoạt chéo môn. Lớp này học Toán thì lớp khác học Tiếng Việt… để không ảnh hưởng đến chất lượng.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Cô Hoàng Thị Nguyệt - chủ nhiệm lớp 1-3 chia sẻ: “2 năm nay, chúng tôi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng lại không thể phát huy hiệu quả của học liệu điện tử sách giáo khoa. Phần vì đường truyền không đảm bảo, phần sợ ảnh hưởng lớp còn lại nên để đạt được hiệu quả, chúng tôi đã phải linh hoạt khi giảng bài và tìm thêm nhiều tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học để minh họa. Ngoài ra, mỗi tuần, chúng tôi còn dành thời gian 2 buổi để bổ sung, củng cố kiến thức cho các em”.

Từ sự tận tâm, tận tụy của cô giáo, đến nay, học sinh các lớp 1-3, 2-4 cũng đã bắt nhịp được chương trình giáo dục phổ thông mới, lĩnh hội được những kiến thức cốt lõi.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Các em học sinh lựa chọn sách tại thư viện của điểm trường

“Chứng kiến sự đổi thay của trường, lớp, sự quan tâm của các cô với học sinh, chúng tôi mừng lắm. Phụ huynh chúng tôi rất biết ơn và hoàn toàn yên tâm gửi gắm con mình cho giáo viên cắm bản nơi đây”, chị Lê Thị Chung - phụ huynh học sinh lớp 4 cho hay.

Những năm gần đây, điểm trường ở bản Phú Lâm còn tăng cường các môn Tiếng Anh, nhạc, họa, hướng dẫn các em sinh hoạt đội, ca múa hát sân trường và các kỹ năng sống cơ bản… Vì thế, mỗi tuần, 1 đến 2 bữa, lớp học giữa đại ngàn như được tiếp thêm sinh khí mới. Cùng với tiếng đánh vần, tập đọc, tiếng hát, tiếng cười lại rộn vang khắp bản làng.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Học sinh ở điểm trường Phú Lâm đã được học môn Tiếng Anh.

Em Phan Lê Bảo Lộc - người dân tộc Lào, học sinh lớp 4 chia sẻ: “Em rất vui khi được đến trường, được biết thêm nhiều điều hay. Em cũng rất thích học tiếng Anh, em mong sau này sẽ có thêm cơ hội để tìm hiểu thêm về môn học này”.

Mỗi ngày trôi qua, cô trò lại cùng nhau “đánh vật” với từng cái chữ, từng con số. Khó khăn, vất vả là thế nhưng những giáo viên ở đây vẫn kiên cường bám trường, bám lớp để “gieo chữ” cho học sinh vùng cao. Món quà mà các cô nhận được trong ngày lễ đôi lúc là tấm thiệp với những lời chúc mừng do tự tay các học sinh làm, hay những bông hoa dại các em hái ven đường. Nhưng với giáo viên cắm bản, đó chính là món quà quý giá, ấm áp nhất từ tấm lòng chân thành, kính trọng của học sinh.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

“Ở huyện miền núi Hương Khê có rất nhiều điểm trường cách trở với trung tâm, điểm Trường Tiểu học Phú Gia ở bản Phú Lâm là một trong số đó. Sự tận tâm, yêu nghề của các giáo viên cắm bản nơi đây đã không chỉ thắp sáng sự học cho trẻ em vùng biên cương mà còn góp phần để Trường Tiểu học Phú Gia - một ngôi trường khó khăn từng bước vươn lên vị trí dẫn đầu bậc tiểu học trên toàn huyện”, thầy Trần Đình Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho hay.

Cô giáo 26 năm “gieo chữ” ở vùng biên Hà Tĩnh

Giáo viên cắm bản - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình, tình nguyện trèo đèo, vượt suối đến nơi khó khăn nhất để “gieo chữ". Thời gian trôi đi, tình yêu nghề, tâm huyết của họ đã đơm hoa, kết trái bằng những lứa học sinh trưởng thành, bằng sự hiếu học của những trẻ em vùng cao hôm nay. Và cũng ở mảnh đất này, các cô đã tìm được hạnh phúc của riêng mình, để bản làng nơi vùng biên heo hút này đã trở thành quê hương thứ 2, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các giáo viên cắm bản.

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.