Tại buổi gặp gỡ công nhân, lao động, kỹ thuật cao tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu một thực tế đáng suy nghĩ: "Trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động trên tổng số hơn 53 triệu lao động thì chưa đầy 19% công nhân có trình độ kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông".
Một là, cần thay đổi quan niệm khá phổ biến hiện nay trong nhân dân về "thầy" và "thợ". Một xã hội vốn có truyền thống coi trọng học thức và khoa cử như nước ta, thật khó để thuyết phục các sĩ tử và gia đình họ là thay vì theo đuổi con đường học hành thiên về lý thuyết tại các trường đại học, hãy chuyển sang học lấy một nghề, học từ thực tế.
Vừa qua, ở Đức cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng khan hiếm lao động lành nghề do một bộ phận học sinh tốt nghiệp phổ thông không tha thiết với việc học nghề. Đức có hạ tầng khoa học công nghệ cao khi bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0, nhưng những ngành nghề dịch vụ, dân sinh vẫn rất cần lao động phổ thông chất lượng cao, đặc biệt quan tâm hiện nay là ngành điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế, chăm sóc nuôi dưỡng người già.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác chứng kiến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng ký ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Hà Tĩnh với ông Ruland Arthur - đại diện các doanh nghiệp CHLB Đức về đầu tư dự án năng lượng mặt trời (tháng tháng 7/2017).
Việc thay đổi nhận thức còn ở chỗ không nên cho rằng chỉ những nhà lập trình, những trí tuệ nhân tạo, những thí nghiệm cao siêu mới cần kiến thức và trình độ cao. Nếu ta đến thăm những cơ sở dưỡng lão, cơ sở điều dưỡng hay bất kỳ cơ sở y tế nào của những nước phát triển như Đức chẳng hạn, chúng ta sẽ bị "choáng" trước những thiết bị kỹ thuật y tế cao cấp của họ. Việc sử dụng những thiết bị này không hẳn khó khăn như phi công nhìn vào màn hình trong khoang lái máy bay, nhưng nó cũng đủ để những người không qua đào tạo không biết bấm vào nút nào để hỗ trợ bệnh nhân, chứ đừng nói bấm nhầm có thể gây đến tử vong cho người bệnh hay người già cần chăm sóc. Nói như vậy để thấy, kỹ thuật và tay nghề cao cần thiết trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Đoàn công tác Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklenburg - Vorpommern, CHLB Đức thăm Nhà máy sản xuất gạch không nung, ngói màu cao cấp, bê tông thương phẩm Trần Châu tại Cụm Công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên.
Hai là, để xây dựng đội ngũ lao động có kỹ thuật và tay nghề cao rất cần sự đầu tư của Nhà nước và các tổ chức kinh tế. Nếu trường dạy nghề không được trang bị các thiết bị hiện đại tiên tiến, giáo trình và phương pháp giảng dạy chuẩn quốc tế, nếu người lao động không được tiếp xúc với kỹ thuật cao thì đừng hy vọng chúng ta có được một đội ngũ công nhân lành nghề.
Hiện nay, Nhà nước cũng quan tâm đến vấn đề này. Các công ty Đức đang đầu tư làm ăn ở Việt Nam như Siemens, Bosch hay Mercedes đến các công ty vừa và nhỏ cũng có những trường dạy nghề của riêng họ tại Việt Nam, nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng lao động của họ.
Đoàn công tác CHLB Đức thăm, làm việc với Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh...
Chủ trương xuất khẩu lao động của ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng một thực tế là những lao động này đa phần không được đào tạo bài bản khi ra nước ngoài - họ chỉ làm những công việc phổ thông đơn giản với mục tiêu chủ yếu là có nguồn thu nhập ổn định. Đây cũng là một trong những lý do "nhảy việc" khi ra nước ngoài, khiến những nước nhận lao động Việt Nam như Hàn Quốc vừa qua đã phải tạm ngừng nhận lao động của những địa phương có nhiều người bỏ trốn ở lại hoặc bỏ hợp đồng ra làm ngoài.
Do đó, cần định hướng đào tạo lao động chất lượng cao ngay ban đầu, từ khâu tuyển chọn đến khâu đào tạo trong nước để những người này nhận thức được vị trí của họ sau này không chỉ là đi để "bán sức lao động" mà phải trở thành những thợ lành nghề, "thợ cả" (meister) trong những lĩnh vực của họ và khi quay trở về nước họ lại là những người thầy đào tạo thế hệ lao động lành nghề tiếp theo.
Đoàn công tác CHLB Đức thăm, làm việc với Trường CĐ Y tế Hà Tĩnh
Ba là, hợp tác quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm đến hợp tác với Đức mà cụ thể là bang Mecklenburg-Vorpommern (MV) trong việc đào tạo lao động chất lượng cao. Tại Hà Tĩnh, sẽ hình thành Trung tâm Ngoại ngữ MV với sự tham gia của địa phương, doanh nghiệp Việt kiều Đức hoạt động ở Hà Tĩnh và doanh nghiệp Đức. Đặc biệt là sự ủng hộ cả về tinh thần lẫn tài chính của tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Kinh tế, lao động và y tế bang MV.
Dự án hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt trên lĩnh vực đào tạo điều dưỡng viên đưa sang bang MV sẽ được khởi động thời gian tới và sau đó sẽ triển khai trên các lĩnh vực dịch vụ khác như: khách sạn, nhà hàng. Mục tiêu của dự án này là từ nay đến giữa năm 2020, Trung tâm Ngoại ngữ MV tại Hà Tĩnh sẽ cho "ra lò" 120 học sinh đạt chất lượng ngoại ngữ B2 tiếng Đức để đưa sang MV đào tạo nghề và lao động; sau năm 2020, sẽ tiến hành việc đưa chương trình đào tạo nghề của Đức vào dạy ở Việt Nam, để khi học sinh ra trường có thể đạt trình độ tiếng Đức B2, đồng thời có đủ kiến thức, chứng chỉ sang làm việc lâu dài tại Đức.
Tháng 4 vừa qua, đoàn doanh nghiệp Việt kiều Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Kinh tế, lao động và y tế bang MV, dự hội nghị giới thiệu Dự án Trung tâm Ngoại ngữ MV tại Hà Tĩnh và kế hoạch hợp tác.
Đoàn doanh nghiệp Việt kiều Hà Tĩnh làm việc với lãnh đạo Bộ Kinh tế, lao động và y tế bang MV
Quốc vụ khanh - Tiến sĩ Stefan Rudolph nhấn mạnh, việc hợp tác với Hà Tĩnh dựa trên cơ sở những thỏa thuận từ năm 2017/18 và qua hai chuyến thăm Việt Nam vừa qua, phía Đức thấy tỉnh có đủ điều kiện để thực hiện đề án hợp tác này. Điều đặc biệt ấn tượng đối với cá nhân ông và đoàn là quyết tâm của chính quyền và người dân Hà Tĩnh trong việc xây dựng kinh tế địa phương và chủ động đưa ra những nội dung hợp tác.
Hơn 20 doanh nghiệp bang MV là những cơ sở sẽ đào tạo và sử dụng lao động sau này cho biết, hiện nay, nhu cầu đối với tuyển dụng lao động điều dưỡng viên là rất cao. Số 120 người mà Trung tâm ngoại ngữ MV tại Hà Tĩnh dự định đào tạo cho đến giữa năm 2020 chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp này. Họ sẽ nhận sang MV dạy nghề và sau đó sẽ ký hợp đồng lao động dài hạn.
Hội nghị giới thiệu Dự án Trung tâm Ngoại ngữ MV tại Hà Tĩnh
Khó khăn nhất trong việc triển khai dự án này là đạt chuẩn tiếng Đức B2 vì nghề điều dưỡng viên không chỉ tiếp xúc với thiết bị y tế hiện đại mà còn tiếp xúc với người bệnh, người già là những đối tượng nhạy cảm và không đơn giản về tâm lý.
Ngoài ra, điều mà họ lo lắng cũng chính là căn bệnh trầm kha của lao động Việt Nam ở nước ngoài nói chung, là tình trạng "nhảy việc", bỏ hợp đồng hoặc thậm trí trốn ở lại trái phép. Chắc chắn các cơ quan chức năng hai bên sẽ phối hợp tích cực với Trung tâm ngoại ngữ MV tại Hà Tĩnh để xử lý vấn đề này.
Đoàn doanh nghiệp Việt kiều Hà Tĩnh thăm Trường Đại học thực hành IMC FH Krems (Cộng hòa Áo)...
Điều đặc biệt nhất của sự hợp tác song phương Hà Tĩnh và bang Mecklenburg-Vorpommern là còn nhận được sự ủng hộ và cam kết hợp tác của một bên thứ ba. Dự hội thảo ngày 16/4 tại Schwerin còn có hai đại diện của Trường Đại học thực hành (University of Applied Sciences) IMC FH Krems (Cộng hòa Áo).
... và làm việc với lãnh đạo Trường Đại học thực hành IMC FH Krems
Nhận lời mời của Ban lãnh đạo Đại học IMC FH Krems, chúng tôi cũng thăm và trao đổi với bạn về dự kiến hợp tác, thăm quan cơ sở đào tạo của nhà trường. IMC FH Krems mặc dù mới thành lập năm 1994 nhưng đến nay đã có 27 ngành học, 2700 sinh viên, 560 giảng viên và đặc biệt đã có quan hệ hợp tác với 137 trường đại học ở 36 nước, trong đó có 5 trường đại học Việt Nam.
Đến nay, FH Krems đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu ở Châu Âu trên lĩnh vực y tế và đào tạo điều dưỡng viên, khách sạn và nhà hàng với những cơ sở kết hợp giữa dạy lý thuyết và thực hành như "Lehrhotel" (tạm gọi là khách sạn dạy nghề), nơi mà sinh viên ngành khách sạn có thể vừa là sinh viên vừa là người phục vụ hay thực khách để có thể đánh giá việc kết hợp giữa học và hành sát thực tế nhất. FH Krems cũng hợp tác với các doanh nghiệp Áo và Đức để có thể ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới nhất cũng như ứng dụng đầu tiên những trang thiết bị y tế, điều dưỡng hiện đại bậc nhất ở Châu Âu.
Trong Đề án ứng dụng việc dạy nghề điều dưỡng Đức tại Việt Nam của IMC FH Krems đưa ra nêu rõ: Tại Việt Nam hiện đang thiếu cơ cấu đào tạo nghề điều dưỡng viên, (do đó) mục tiêu của đề án này là xây dựng chương trình đào tạo 3 năm để một mặt đáp ứng lực lượng điều dưỡng viên cho Đức từ Việt Nam, mặt khác cũng nhằm chuyên nghiệp hóa nghề điều dưỡng ở Việt Nam trong tương lai, cung cấp cho thế hệ trẻ ở Việt Nam hệ thống đào tạo chất lượng cao trong lĩnh vực điều dưỡng".
Hy vọng chuyến thăm Hà Tĩnh tháng 7 tới của Đại học IMC FH Krems cũng như việc khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 8 của Trung tâm ngoại ngữ MV Hà Tĩnh tạo những động lực mới cho hợp tác đào tạo nghề chất lượng cao cho Hà Tĩnh nói riêng và thị trường lao động Việt Nam nói chung.
Tác giả bài viết - Nguyễn Hữu Tráng là Đại sứ, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt/M, nguyên Tham tán Công sứ Thương mại tại Berlin, thành viên Ban Tư vấn của GVIP (Khu công nghiệp Đức - Việt) tại Hà Tĩnh, Cố vấn Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern. |