Mỗi con người, khi tới thế giới này chỉ như một hạt mầm mong manh. Được mẹ ấp ủ, yêu thương trong dạ suốt chín tháng mười ngày mới thành sinh mệnh. Từ lúc ôm đứa con bé bỏng vừa cất tiếng khóc chào đời, mẹ biết sẽ có một tình yêu kéo dài tới phút giây mình nhắm mắt xuôi tay.
Hồi ức đẹp nhất của đời người, chắc chắn sẽ có hình ảnh của những ngày ấu thơ ríu rít bên chân mẹ. Mỗi bữa cơm con ăn, từng giấc ngủ say sưa bên gối, tấm áo hoa con xúng xính bên cây đào ngày Tết, tất cả đều ấm bàn tay mẹ. Bao la tình mẹ là khúc nhạc da diết yêu thương của tình mẫu tử.
Nhà văn Phong Thu muốn ghi lại những khoảnh khắc dịu ngọt mà êm đềm của đứa con bên mẹ như để nhắc nhở một điều giản dị: “Ai cũng từng là trẻ con và hạnh phúc lớn nhất của một đứa trẻ là được sống êm đềm bên mẹ.
Tập truyện ngắn Tình mẹ bao la của nhà văn Phong Thu. |
Có cô bé thấy ông nội ngồi lặng yên bên bàn, liền nhanh ý ra thủ thỉ hỏi vì sao ông buồn. Ông lặng lẽ trả lời rằng ông đang nhớ mẹ. Hôm đó, là ngày giỗ của cụ bà.
Ông nội tuy đã già, nhưng vẫn không khỏi bần thần mỗi khi nghĩ về mẹ. Dường như, ở bên mẹ bao lâu cũng không làm người ta thấy đủ. Và cuộc chia ly xót xa nhất có phải là khi những đứa con phải tiễn mẹ về nơi thiên đường.
Những ngày lễ như 8-3, 20-10 khi chúng ta nhận được vô vàn những lời chúc tốt đẹp, hãy nhớ gửi một lời chúc chân thành nhất đến mẹ của mình. Người phụ nữ vĩ đại đã hy sinh bản thân để cho ta cuộc sống.
Hãy xem những dịp lễ lớn ấy là Ngày nhớ mẹ. Một thông điệp sâu sắc về tình yêu thương được nhà văn Phong Thu gửi gắm qua câu chuyện giản dị.
Suốt cả một năm dài đằng đẵng, ngày nào trong nhà cũng trải đầy bóng mẹ. Đến Tết, cái dáng hao gầy của bà, của mẹ càng trở nên tất bật hơn, nó khiến người ta khắc khoải khôn nguôi.
Trong Tết của mẹ nhà văn của quê lúa Thái Bình đưa bạn đọc nhỏ tuổi “về thăm” một cái Tết của tuổi thơ ông. Những ngày đầu xuân mới của hơn 50 năm trước, đến nay bỗng ùa về trong kí ức xa xôi.
Đó là ngày Tết mang đậm hình bóng của bà. Chồng mất, con trai và con dâu cả không ở nhà, bà đảm đương quán xuyến hết mọi việc trong nhà suốt mấy ngày Tết.
Ai đi chúc Tết, ai ở nhà đón tiếp khách khứa và lo cơm nước đều được bà phân công cụ thể. Ngày đầu năm mới rất thiêng liêng và có biết bao điều cấm kị, bà đều nhớ để dặn dò con cháu.
Xưa kia, kinh tế còn khó khăn, ngày Tết trở thành “thước đo vô hình” cho sự tần tảo, chắt chiu của người phụ nữ. Tết đến, người bà, người mẹ đắn đo mãi mới dám sửa soạn cho mình một tấm áo mới, bởi tất cả đã dành dụm cho chồng cho con hết rồi.
Nụ cười của con, vẻ mặt hân hoan của chồng là những điều tuyệt vời nhất dành cho cái Tết của mẹ.
Phần minh họa tinh tế, sống động mà tràn đầy tình cảm của tác phẩm. |
Lo cho con là lo suốt một đời. Ngày còn trẻ mẹ tần tảo nuôi con, đến khi về già lại tất tưởi bỏ quê lên phố trong nom cháu nhỏ. Nhà ở phố chật chội, bí bức làm bà rất nhớ quê, nhớ mảnh vườn nhỏ và mấy con gà, vài luống rau.
Bà cũng thương ông nội phải ở nhà một mình. Nhưng biết làm sao được, bà vẫn thương đứa cháu nhỏ mới mấy tháng trời mà mẹ đã phải đi làm. Bà đành ở lại phố. Ngắm cháu lớn, cháu khôn bao mệt mỏi, lo âu rồi cũng qua mau. Đó là những nỗi niềm nhà văn gửi gắm trong truyện ngắn Có mẹ.
Nhẹ nhàng và đầy tình cảm như một lời thủ thỉ, mỗi bài viết nhỏ trong tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi Tình mẹ bao la chính là những mảnh ghép rực rỡ của tình mẫu tử mà nhà văn Phong Thu đã góp nhặt suốt thời ấu thơ. Lật từng trang sách, con trẻ dường như thấu hiểu người mẹ, người bà đã yêu chúng nhiều biết bao nhiêu.
Và những ai đã lớn khôn, xin hãy nhớ rằng: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ- Đi hết đời lòng mẹ vẫn thương con” (Chế Lan Viên). Lòng mẹ, mãi là suối nguồn yêu thương để ta tìm về mỗi phút yếu đuối.