Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - quản lý cơ sở sản xuất nước mắm Nhất Ninh (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) trao đổi với đoàn giám sát.
Khi nhận thông báo đoàn giám sát chuyên đề Hội Nông dân Hà Tĩnh đến kiểm tra cơ sở sản xuất của gia đình, chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - quản lý cơ sở sản xuất nước mắm Nhất Ninh (xã Kỳ Ninh - thị xã Kỳ Anh) vui vẻ tiếp đoàn chứ không tìm cớ né tránh.
Theo chị Mỹ Ngọc, qua nhiều năm sản xuất và chế biến nước mắm, nhờ công tác thanh tra, kiểm tra của đoàn tỉnh, địa phương mà chị ngày càng thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong đảm bảo ATTP. Tuân thủ các quy định nghiêm ngặt đảm bảo ATTP trong sản xuất nên cơ sở đã đáp ứng các tiêu chí OCOP và được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, nhờ vậy mà ngày càng nhiều người tiêu dùng tin chọn.
Các bể chượp được đầu tư đồng đều, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
“Trong quá trình sản xuất nước mắm, điều kiện an toàn thực phẩm luôn được tuân thủ trong tất cả các khâu, từ khu vực tiếp nhận, chế biến đến thu hoạch. Tại khu vực chế biến, chúng tôi luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Nguyên liệu cá để chế biến phải đảm bảo tươi, đang nguyên màu, không bị dập nát và không lẫn tạp các loại khác; thời gian vận chuyển từ biển đến cơ sở trong vòng 20 phút.
Nguyên liệu muối phải là muối sạch được lưu trữ hằng năm, không lẫn tạp chất. Các bể chượp phải đồng đều về tỉ lệ giữa các thành phần, được nén chặt. Khi phơi phải đậy bồn bằng nắp nhôm; khi thu hoạch, nước mắm được hút qua hệ thống ống hút vào các hệ thống trữ để lắng lọc. Chai đựng nước mắm sử dụng chai thủy tinh, can nhựa có dán tem, nhãn mã QR theo đúng quy định...” - chị Ngọc thông tin.
Khu vực nuôi cấy nấm của Cơ sở sản xuất nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân được chia thành nhiều phòng riêng biệt.
Cơ sở sản xuất nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân (phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) cũng luôn tuân thủ quy trình sản xuất nấm đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Chị Lê Thị Cẩm Vân - chủ cơ sở chia sẻ: “Điều kiện đầu tiên là sản phẩm phải được nuôi cấy trong điều kiện an toàn vệ sinh nghiêm ngặt. Phòng cấy giống, phòng nuôi trồng đáp ứng đủ các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm không khí, thực hiện nghiêm quy trình khử khuẩn, đảm bảo vô trùng. Trong môi trường làm việc, chúng tôi luôn đeo găng tay, mũ, áo để đảm bảo điều kiện vệ sinh tốt nhất”.
Bảng quy trình sản xuất đảm bảo ATVSTP được gắn nơi dễ nhìn.
Còn cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm Khoàn Minh (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến, hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo ATVSTP. Ngoài tuân thủ quy trình chế biến, cũng giống như nhiều cơ sở sản xuất khác trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, cơ sở cũng hoàn thiện hồ sơ, giấy phép ATVSTP theo đúng quy định.
Chị Nguyễn Thị Khoàn - chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Các loại giấy phép, chứng chỉ về ATVSTP như những “tấm vé thông hành” đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đây chính là việc thể hiện sự tuân thủ của hộ kinh doanh đối với các quy định của pháp luật; tạo được niềm tin cho khách hàng, cộng đồng về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Chính vì vậy, từng khâu sản xuất, chúng tôi luôn chú trọng đảm bảo các tiêu chí được đặt ra; duy trì ổn định và nhất quán về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Chị Khoàn (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với đoàn giám sát Hội Nông dân tỉnh các sản phẩm được đóng gói bằng chai thủy tinh đảm bảo ATVSTP.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy - Trưởng đoàn giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn thị xã Kỳ Anh” cho hay: “Ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện quy định ATVSTP. Nếu như cơ sở không đảm bảo thì không chỉ người tiêu dùng “quay lưng” với sản phẩm mà cơ quan chức năng sẽ xử phạt, ảnh hưởng đến việc làm, doanh thu, lợi nhuận của hộ kinh doanh và tương lai phát triển của doanh nghiệp”.
Hiện nay, vấn đề ATVSTP được các cấp chính quyền ở thị xã Kỳ Anh hết sức quan tâm. 6 tháng đầu năm 2022, thị xã đã tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm tra 13 cơ sở; chỉ đạo các xã, phường tổ chức ký cam kết đến từng cơ sở.
Đến nay, có 45 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATVSTP, trong đó 27 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; 3 cơ sở sản xuất muối; 15 cơ sở thu mua, chế biến, đánh bắt thủy sản. Cùng đó, đẩy mạnh kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; tổ chức tuyên truyền; phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tổ chức phát hơn 1.200 tờ rơi tại các chợ...
Đoàn giám sát chuyên đề Hội Nông dân Hà Tĩnh đánh giá cao việc thực hiện các quy định ATVSTP tại các cơ sở sản xuất ở thị xã Kỳ Anh.
Ngoài ra, UBND thị xã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng, chế biến nông sản, thông báo kết quả rộng rãi để chủ cơ sở và người dân được biết.
Không chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề, thị xã Kỳ Anh còn tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về ATVSTP; cung cấp thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn.
Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, thực hành của người sản xuất và người tiêu dùng trong bảo đảm ATVSTP. Đối với các sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP thuộc ngành hàng thực phẩm, bắt buộc duy trì tốt các điều kiện ATVSTP, làm nền tảng để tiếp tục nâng sao, nâng hạng.