Cơ sở vật chất y tế: “Báo động đỏ”!

(Baohatinh.vn) - Cơ sở vật chất (CSVC) là một trong 3 yếu tố quyết định chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ sở y tế tại Hà Tĩnh đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Trạm y tế xuống cấp

Sơn Thủy là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Hương Sơn. Bởi vậy, trạm y tế là địa chỉ chăm sóc sức khỏe đầu tiên và gần nhất đối với người dân. Tuy nhiên, trực tiếp chứng kiến mới thấy được việc quan tâm đầu tư cho y tế còn nhiều bất cập.

co so vat chat y te bao dong do

Phòng làm việc của Khoa Cận lâm sàng Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên chật hẹp, xuống cấp.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Thủy Đoàn Mạnh Toái cho biết: “Trạm xây dựng năm 1996, ở vị trí thấp trũng nên năm nào cũng bị ngập lụt. Hàng năm, xã hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng để sửa sang, thế nhưng, đến thời điểm này, trạm đã quá xuống cấp, cũ kỹ. Có những ca đẻ gặp trời mưa, chúng tôi phải dùng ô để che cho bệnh nhân. Năm ngoái, xã có quyết định cho dời sang vị trí mới, cao hơn để tránh ngập lụt nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Tôi công tác tại trạm đã 28 năm, từ đó đến nay, chưa có một sự đầu tư nào tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Về trang thiết bị y tế, có những thứ đã dùng từ năm 1989 lại nay. Hàng năm, thiếu kéo thì mua kéo, thiếu banh lại mua banh...”.

Trạm Y tế Thượng Lộc (Can Lộc) cũng là một trong những cơ sở thuộc vùng xa đang từng ngày xuống cấp. Theo Trạm trưởng Nguyễn Huy Hải, tình trạng CSVC xuống cấp và thiếu trang thiết bị đã từ lâu nhưng chưa được cải thiện. Cũng đã có nhiều kiến nghị, nhiều đoàn về xem xét thực tế nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn để đầu tư. Nhiều phòng chức năng đã rạn nứt, mưa dột, ngay cả hệ thống đường điện cũng đã bị hư hỏng. Vì không có kinh phí nên cán bộ Trạm Y tế xã tranh thủ những giờ không có bệnh nhân tự sửa chữa, chắp vá…

co so vat chat y te bao dong do

Phòng Hậu sản Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân vừa ẩm mốc, vừa chật chội.

Theo thống kê của Sở Y tế, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 126 trạm y tế xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nâng cấp và sửa chữa lớn. Đáng nói là số trạm y tế xuống cấp này chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Phải chăng, lâu nay, sự đầu tư của chúng ta chưa đi đúng với chủ trương của Nhà nước đó là ưu tiên cho các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn?

Bệnh viện cũng… “báo động đỏ”!

Không chỉ trạm y tế mà phần lớn các bệnh viện trong tỉnh đều “báo động đỏ” về sự xuống cấp CSVC. Bác sỹ Phan Thanh Minh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên cho biết: Bệnh viện chật chội, đầu tư chắp vá nên đến giờ vẫn chưa có sự liên hoàn giữa các khoa, không có dây chuyền công năng. Phòng khám xây dựng từ năm 1994, quá chật hẹp, không có phòng đón tiếp, phòng chờ cho bệnh nhân. Khoa cận lâm sàng thì rạn nứt khắp nơi, xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả phòng mổ cũng còn nhiều bất cập. Do tận dụng nên nhà mổ không đúng quy chuẩn, không đủ phòng bảo quản dụng cụ vô khuẩn, phòng chứa đồ bẩn, phòng thay đồ, phòng rửa tay…

co so vat chat y te bao dong do

Được đưa vào sử dụng chỉ khoảng 10 năm nhưng Bệnh viện Phổi tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân, các dãy nhà cũng hiện rõ sự xập xệ. Nhất là tại Khoa Ngoại - Sản, tường nhà đã bị bong tróc gần hết. Còn trong phòng, ẩm ướt, các góc tường phòng rêu phong nham nhở. Diện tích phòng quá chật hẹp; các giường bệnh được đặt liền kề nhau, không còn chỗ để kê tủ bệnh nhân. Đặc biệt, phòng mổ do được xây dựng lâu năm, nay xuống cấp trầm trọng nên khi trời mưa, nước thấm thành giọt. Do phòng mổ không đảm bảo các điều kiện vô trùng nên dù đã được đào tạo một số kỹ thuật chuyên sâu nhưng đến nay, bệnh viện này cũng chưa thể triển khai. Nhiều lần bệnh viện đã mời các chuyên gia từ trung ương về để chuyển giao kỹ thuật và phục vụ nhân dân nhưng đều bị từ chối.

Tại tuyến tỉnh, sự xuống cấp CSVC đáng báo động nhất là ở Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Bệnh viện Phổi tỉnh có 3 khoa điều trị, nhưng mới chỉ có một nửa Khoa Hồi sức cấp cứu được đầu tư, số còn lại đều xuống cấp trầm trọng. Các buồng bệnh gần như đều bị ẩm mốc, bong gạch; toàn bộ hệ thống cửa mục nát. Đã từ lâu, hệ thống cửa buồng bệnh đành phải nẹp lại cố định để hạn chế… bong, rơi!

Bác sỹ Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chia sẻ: “Khu nhà 2 tầng được xây dựng năm 1997, chủ yếu dành cho bệnh nhân nội trú gồm 100 giường bệnh. Ở đây, tường rạn nứt, ẩm ướt đã đành, nhưng sợ nhất là trần nhà bong tróc từng mảng, rất nguy hiểm!”.

CSVC xuống cấp, thiếu thốn nên tình trạng quá tải đang trở thành vấn đề bức thiết. Thực trạng này nếu không được quan tâm giải quyết thì trong tương lai gần, ngành y tế Hà Tĩnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh.

(Còn nữa)

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.