Thêm những bí mật của Hoàng hậu Nam Phương
Phải nói luôn rằng, “Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại” của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thuý (NXB Phụ Nữ) không phải là cuốn sách đầu tiên về nhân vật lịch sử còn nhiều bí ẩn này. Ngay cả thân thế của bà cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tranh cãi, xem hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn rốt cuộc là xuất thân trong gia đình điền chủ giàu có hay chỉ là một “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”? Theo chia sẻ của hai tác giả, họ thực hiện cuốn tư liệu lịch sử này trong khoảng 3 năm, là kết quả của cả một quá trình sưu tầm tài liệu và thực địa ở nhiều địa chỉ mà nhà vua và hoàng hậu đã đi qua.
Điều khá gây sốc của lần công bố này, theo tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy chính là: “mỗi lần hoàng hậu mang thai và sinh con, vua Bảo Đại lại có một hồng nhan tri kỷ. Một mình bà nuôi năm người con bên Pháp. Vua chưa làm tròn nghĩa tình vợ chồng nhưng bà vẫn giữ hình tượng cho chồng”.
Sinh ra trong gia đình Công giáo, Nguyễn Hữu Thị Lan, hay còn gọi là Marie Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan, từ nhỏ đã được tiếp xúc với nền giáo dục Pháp và sở hữu nhan sắc “khuynh thành”, ba năm liền đạt giải Hoa hậu Đông Dương. Năm 19 tuổi, bà gặp gỡ và chinh phục trái tim vua Bảo Đại, trở thành hoàng hậu Nam Phương vào năm 1934.
Trước đó, năm 2023, trong cuốn sách “Nam Phương hoàng hậu: Vị Quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí” (NXB Tổng hợp TPHCM), tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính cung cấp các bằng chứng cho thấy: Dù tại vị chỉ hơn 10 năm, sự nghiệp của bà bao trùm trên nhiều mặt: quảng bá và giao lưu văn hóa, tham gia vào các công tác an sinh xã hội bằng cách thành lập nhiều tổ chức từ thiện để giúp đỡ người nghèo và trẻ em mồ côi… Bà trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân. Nam Phương hoàng hậu cũng được coi là người đầu tiên trong hoàng tộc mặc áo dài cách tân, thay vì áo dài truyền thống.
Thậm chí, khi không còn ở ngôi báu hoàng hậu, bà Nam Phương vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bà đã gửi thông điệp tố cáo thực dân Pháp, tham gia Tuần lễ vàng một cách nổi bật. Khi “Tuần lễ vàng” được khai mạc ở Huế (sau khi Bảo Đại đã thoái vị), bà đã gây ngạc nhiên khi mặc trang trọng, đội khăn vàng, đeo kiềng vàng trên cổ, tai đeo bông vàng, trên cổ tay đeo hai đôi xuyến vàng, 10 đầu ngón tay có mười chiếc nhẫn. Tới khi bà được mời lên là người ủng hộ đầu tiên, cựu Hoàng hậu đã đến trước bàn và cởi toàn bộ đồ trang sức trên người để quyên góp.
Trước đó nữa, tác giả Phạm Hy Tùng công bố 87 bức thư tay gửi từ Pháp của Hoàng hậu Nam Phương đã phần nào giúp người đọc tiếp cận với vị con dâu hoàng tộc này ở những khía cạnh tương đối mới lạ. Bà được cho là người tiên phong trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động ngoại giao. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Nam Phương Hoàng hậu sau khi đăng quang (năm 1939), bà đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân Pháp bởi nhan sắc rạng ngời, trang phục lộng lẫy và phong thái tự tin. Sau đó, Nam Phương Hoàng hậu đã từng gặp gỡ và trò chuyện với nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Mỗi lần xuất hiện, bà đều chọn trang phục truyền thống Việt Nam, mang theo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam để làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia và quan khách quốc tế. Với vốn liếng hiểu biết của một cựu học sinh trường Couvent des Oiseaux ở Đà Lạt, bà tự tin giao tiếp và chia sẻ những câu chuyện về văn hóa và lịch sử Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
“Mỏ vàng” của phim ảnh
Câu chuyện cuộc đời hoàng hậu Nam Phương được nhiều nhà làm phim đánh giá là một “mỏ vàng” để khai thác, cả trên màn ảnh rộng và phim truyền hình. Năm 2020, ca sĩ Hòa Minzy tái hiện chuyện tình Nam Phương hoàng hậu trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của khán giả.
Đầu tháng 5 vừa rồi, cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito đã công bố dự án phim “Hoàng hậu cuối cùng” lấy cảm hứng từ “Tình sử Nam Phương hoàng hậu”, tiểu thuyết nhà văn Trần Thị Hảo, và “Nam Phương hoàng hậu”, tác phẩm nghiên cứu lịch sử của Lê Lan Khanh. Đây là dự án điện ảnh đầu tiên về vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Theo như chia sẻ của ê kíp làm phim: “Hoàng hậu cuối cùng” được đầu tư 200 tỷ đồng sẽ tái hiện cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu từ những ngày đầu khi bà còn là cô gái mang tên Marie Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan cho đến khi trở thành Hoàng hậu và những thăng trầm trong cuộc sống hôn nhân với Hoàng đế Bảo Đại.
Nhà nghiên cứu Hoàng Thế Tâm chia sẻ: Việc nghệ thuật hóa câu chuyện về Nam Phương hoàng hậu sẽ giúp cho khán giả đại chúng có thể tiếp cận lịch sử, văn hóa một cách sinh động và trực quan hơn. Việt Nam có rất nhiều nhân vật lịch sử, câu chuyện lịch sử hay nhưng chưa được khai thác rộng rãi, thành ra nó vẫn như một loại hồ sơ mật với nhiều người. Trong khi đề tài này Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… đều làm rất tốt, tốt đến mức nhiều khán giả trẻ thuộc sử Tàu hơn sử Việt. Không chỉ màn ảnh rộng đâu, tôi nghĩ những câu chuyện về các danh nhân lịch sử như tướng Lý Thường Kiệt, vua Trần Nhân Tông, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn… nếu được làm thành phim truyền hình, thành sách thì đều có thể cuốn hút người xem. Hãy nhớ đến thành công của bộ truyện tranh “Long thần tướng” (về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần) là sẽ rõ.