'Cơn nghiện' chốt đơn

Miễn phí trả hàng, liên tục có chương trình giảm giá khi mua sắm trực tuyến đang âm thầm móc ví người tiêu dùng, khiến họ chi tiêu mất kiểm soát.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao hay ăn trưa, Liang đều lướt xem các trang mua sắm trực tuyến.

Cô gái 25 tuổi nói đây là cách giải tỏa căng thẳng. Liang mua hàng online tuần một lần. Tần suất có thể tăng vào dịp lễ Tết, hội họp, mua quà hoặc sắm đồ dự tiệc.

Giống như nhiều người, cô gái làm trong ngành luật nói bị hấp dẫn khi tiếp cận nhiều sản phẩm, kể cả hàng nước ngoài nhờ mua sắm trực tuyến. Sự tiện lợi khi lướt xem và đặt mua bất cứ lúc nào, chốt đơn mọi chỗ, so sánh giá cả nhanh chóng là điểm cuốn hút.

Bên cạnh đó, những video unbox (đập hộp), review sản phẩm của người nổi tiếng trên TikTok, YouTube và Instagram cũng kích thích sự tò mò của người xem. Tất cả những yếu tố trên dẫn đến một kết quả: Người tiêu dùng mua sắm quá mức.

Liang thừa nhận dùng nhiều thời gian để xem hàng trực tuyến, dù không thực sự có nhu cầu. "Nhiều lúc không nhất thiết phải mua sắm nhưng tôi vẫn lướt xem và chốt đơn mọi nơi, kể cả đi vệ sinh", cô nói.

Cô gái 25 tuổi cũng kể một lần bận làm việc nhưng vẫn vô thức cầm điện thoại xem livestream bán hàng. Đó là lúc Liang nhận ra cô đã "nghiện" chốt đơn. Nhưng khi giảm thời gian mua sắm online cô lại thấy buồn và chống rỗng.

Người tiêu dùng dễ dàng rơi vào cái bẫy của việc mua sắm trực tuyến và chi tiêu quá mức. Ảnh minh họa: CNA/Nurjannah Suhaimi

Tham, 29 tuổi làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ, chung trải nghiệm với Liang. Cô đặt hàng trực tuyến tuần hai lần và ngày nào cũng lướt các website mua sắm. Mức giá siêu hời, sự tiện lợi khi giao hàng, nhận hàng và dễ dàng đổi trả cho người bán là ưu điểm của hình thức mua bán này.

"Tôi không cần cam kết phải nhận hàng ngay cả khi đã đặt đơn, điều này thật thú vị", Tham nói. Cô cũng cho biết cảm giác phấn khích khi đặt hàng và mong chờ món đồ về tay.

Tuy nhiên trong năm tới, cô sẽ phải cắt giảm bởi nhận ra mình mắc bệnh nghiện mua sắm.

Mua sắm online các mặt hàng không thiết yếu trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Thói quen này thúc đẩy mạnh nhất trong đại dịch Covid-19.

Dữ liệu tháng 8/2024 của Cục Thống kê Singapore cho biết tổng doanh thu từ thương mại điện tử trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ tại nước này đạt gần 300 triệu USD vào năm 2022, tăng so với mức 270 triệu USD trong năm 2021.

Meta - công ty sở hữu các mạng xã hội Facebook và Instagram - và công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company nói trong báo cáo SYNC Đông Nam Á năm 2022 rằng bối cảnh tiêu dùng kỹ thuật số đã thay đổi so với vài năm trước. Covid-19 đẩy lối sống tập trung nhiều hơn vào gia đình và chuyển dịch từ mua sắm ngoại tuyến sang trực tuyến.

Báo cáo cũng cung cấp thông tin chi tiết về xu hướng tiêu dùng trong khu vực. Trong khảo sát 9.000 người tiêu dùng ở 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore, 80% người được hỏi thích mua hàng từ các kênh online.

Ngoài mối lo ngại thúc đẩy chứng nghiện mua sắm, hàng loạt tác động đến môi trường do chất thải phát sinh, lượng khí thải carbon của dịch vụ hậu cần và chuyển phát nhanh khiến nhiều người quan tâm.

Ngày nay, các công ty giao hàng phải tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu hậu cần của các nền tảng và người tiêu dùng.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới và công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu Accenture dự đoán đến năm 2030, số lượng xe giao hàng trong đô thị tăng trung bình hơn 60% trên toàn cầu, chiếm 13% tổng khí thải carbon của các thành phố.

Hai người bán đồ dùng bằng pha lê ở Singapore thông qua phát trực tiếp. Ảnh: CNA/Raj Nadarajan

Sự gia tăng của thương mại điện tử còn thúc đẩy bởi các nhà bán lẻ và nền tảng trực tuyến.

Họ thu hút người tiêu dùng, trước tiên là khiến quá trình mua sắm trở nên dễ dàng hơn bằng cú nhấp chuột liền mạch, giao hàng tận nhà và trả hàng dễ dàng. Họ cũng thúc đẩy lượng mua thông qua các đợt giảm giá thường xuyên và mã giảm cộng dồn. Tức là nhiều mã khuyến mại có thể sử dụng cùng lúc để mua một mặt hàng với giá rẻ nhất.

N Goh, nữ công chức 31 tuổi chi 220-367 USD mỗi tháng cho mua hàng online. Những món đồ cô mua đều có giá rẻ. Nhưng hiện tại, nhà cô đã chật cứng các món hàng và không thể chứa thêm.

Gần nhất, người phụ nữ 31 tuổi bị cuốn vào cơn sốt livestream xé túi mù - một xu hướng mới khác hẳn livestream truyền thống khi người bán thêm vào đó yếu tố may rủi. Goh nói rằng túi mù có thể gây nghiện bởi sản phẩm này chỉ tốn gần 3 USD cho một lần chơi.

Không tiết lộ con số cụ thể nhưng ông Chua Kel Jin, giám đốc Shopee Singapore, nói lượng người xem Shopee Live ở nước này tăng lên trong các chiến dịch cuối năm. Doanh số bán hàng qua kênh này tăng gấp 30 lần trong đợt mua sắm 12/12 so với ngày thường.

Tiến sĩ Shilpa Madan cho biết các nền tảng thương mại điện tử sử dụng các thuật toán tiên tiến phân tích thói quen mua bán trong quá khứ, từ đó đề xuất sản phẩm phù hợp với thị yếu.

"Đây là cách mà các nền tảng thương mại điện tử tạo ra sự khác biệt so với mua sắm ngoại tuyến", tiến sĩ Hannah Chang, phó giáo sư tiếp thị tại SMU, nói.

Một số người có thể coi nhẹ thói quen chốt đơn quá mức. Họ giải thích đây là "liệu pháp mua sắm" để giải tỏa căng thẳng tạm thời, giúp lấp đầy khoảng trống buồn chán, cô đơn.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cách thức này vẫn gây ra căng thẳng về mặt tinh thần bởi các khoản tín dụng không được thanh toán đúng hạn. Gánh nặng nợ nần cuối cùng sẽ bóp nghẹt tâm trí khách hàng.

"Lao đầu vào mua sắm để giảm căng thẳng là cơ chế đối phó cảm xúc rất tức thời. Một khi điều đó biến mất, cảm giác tội lỗi, hối hận vì mua thứ gì đó quá nhiều sẽ xâm chiếm tâm hồn bạn", tiến sĩ Hannah Chang nói.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói