Cộng đồng dân cư giám sát truy xuất nguồn gốc sản xuất rau ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thông qua mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả (gọi tắt là rau) E-GAP tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), các thông tin về nguồn gốc sản phẩm được đầy đủ hơn, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Khu vườn của ông Hoàng Thanh Tam (thôn Hà Thanh) tham gia mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả hữu cơ.

Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau E-GAP (hữu cơ, VietGAP) tại xã Tượng Sơn. Đây là kết quả quan trọng của chuyên đề KH&CN, được triển khai từ năm 2020.

Tham gia mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau hữu cơ (theo TCVN 11041-2:2017 – trồng trọt hữu cơ) có 104 hộ của thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn), được lập thành 7 nhóm sản xuất và 1 liên nhóm.

Người dân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản gồm: không dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc hóa học tổng hợp; không dùng phân bón hóa học; không sử dụng phân bắc, phân rác từ đô thị; không sử dụng giống biến đổi gen.

Sản phẩm rau của gia đình ông Tam được gắn mã QR code.

Đặc biệt, mô hình đã thành lập hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng trên nguyên tắc: tin tưởng lẫn nhau, minh bạch, cùng hợp tác, cùng chịu trách nhiệm, phát triển chia sẻ niềm tin, quan tâm về đời sống nông thôn.

Việc thực hiện quy chế giám sát truy xuất nguồn gốc đầu tiên sẽ do mỗi hộ sản xuất tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, tiếp đó là từng nhóm sản xuất đánh giá phân loại, sau cùng là liên nhóm đánh giá, giám sát.

Các sản phẩm rau được thông tin cơ bản truy xuất nguồn gốc và có video giới thiệu quy trình sản xuất.

Ông Hoàng Thanh Tam - người dân thôn Hà Thanh chia sẻ, làm nông nghiệp hữu cơ thực tế không khó nhưng lại khác nhiều so với phương pháp canh tác truyền thống. Để thực hiện mô hình, chúng tôi tăng cường sử dụng phân hữu cơ được sản xuất từ men vi sinh, sử dụng thuốc sâu sinh học tự chế (ngâm ủ bằng tỏi, ớt, rượu gạo, nếp). Đặc biệt, quy trình giám sát sẽ tạo lợi thế rất lớn cho chúng tôi khi thông tin của mã truy xuất sẽ có uy tín hơn nhờ sự giám sát trực tiếp, thường xuyên.

Ông Bùi Đức Ngoãn (thôn Bắc Bình) tham gia mô hình sản xuất VietGap.

Tham gia mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau tiêu chuẩn VietGap (TCVN 11892-1:2017) có 96 hộ sản xuất tại các thôn: Bắc Bình, Thượng Phú và Sâm Lộc của xã Tượng Sơn.

Cả 3 thôn lập 12 nhóm, từ đó, thành lập liên nhóm giám sát truy xuất nguồn gốc. Việc thực hiện quy trình sản xuất rau VietGap phải đạt yêu cầu của từng loại rau. Trong đó, công đoạn rất quan trọng là thu hoạch.

Ông Bùi Đức Ngoãn - người dân thôn Bắc Bình cho hay, khác với quy trình thông thường, trước khi bước vào thu hoạch, chúng tôi phải kiểm tra lại toàn bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân, phương tiện, bao gói… đảm bảo vệ sinh. Tại khu sản xuất cũng phải đảm bảo vệ sinh một cách tuyệt đối dụng cụ thu hoạch, bảo hộ lao động, xe vận chuyển, vệ sinh cá nhân, ghi chép nhật ký. Chúng tôi được hướng dẫn phối hợp, theo dõi sản xuất với những hộ liền kề để tạo khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn.

Mô hình rau, củ, quả VietGap tại xứ đồng thôn Thượng Phú.

Thực hiện quy chế giám sát, ban chuyên đề đã lấy 10 mẫu rau hữu cơ, 10 mẫu rau VietGap để test các chỉ tiêu Nittrat, thuốc BVTV. Kết quả cho thấy 100% mẫu đều âm tính.

Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Nguyễn Xuân Tình – chủ nhiệm chuyên đề cho biết, dù là chuyên đề nông nghiệp đơn giản nhưng các mô hình chứa đựng hàm lượng KH&CN cao và nhiều yếu tố mới. Qua sản phẩm của mô hình là rau xanh, chúng tôi đã kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố trong tem truy xuất thông minh QR code gồm: cộng đồng dân cư liên kết sản xuất rau hàng hóa an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn quốc gia VietGap – 2017, hữu cơ – 2017, có camera giám sát, kết hợp công nghệ số.

Kết quả mô hình được hội đồng cơ sở đánh giá cao.

Bên cạnh đó, mô hình đã hình thành và xây dựng quan hệ sản xuất cộng đồng bằng việc tập hợp các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, liền kề nhau trên một cánh đồng hoặc các vườn hộ liền kề thành mối quan hệ sản xuất cộng đồng. Hình thành lực lượng sản xuất cộng đồng bao gồm lao động và tư liệu sản xuất (ruộng đất) để có quy mô, hàng hóa lớn hơn, dễ dàng phát huy hiệu quả.

Đánh giá về mô hình này, Chánh Văn phòng Điều phối chương tình NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, chuyên đề đã đạt những yêu cầu cần thiết và mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Hà Tĩnh. Trong tương lai, mô hình sẽ góp phần quan trọng giúp địa phương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, kinh tế số lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được thực hiện thông qua các mã vạch hoặc mã QR. Tuy nhiên, việc truy xuất theo các hình thức này chưa đem lại niềm tin cho người tiêu dùng do các thông tin truy xuất trong đó chưa đầy đủ, nhất là chưa có thông tin về các khâu đầu vào của quá trình sản xuất. Chuyên đề của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu góp phần giải quyết thực trạng này với sự giám sát thông tin truy xuất của cộng đồng sản xuất.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói