Công nghiệp Hà Tĩnh: Vượt qua khó khăn đạt mức tăng trưởng khá

Thời gian gần đây, tuy phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế nhưng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nên tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã dần ổn định và có bước tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất Công nghiệp năm 2012 (theo giá hiện hành) ước đạt 8.513,99 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch, tăng 24,59% so với năm 2011…

Một góc Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng
Một góc Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng

Để ngành Công nghiệp có kết quả tăng trưởng cao liên tục trong thời gian qua, ngành Công Thương Hà Tĩnh đã nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư hoạt động. Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” và cơ chế “một dấu, một cửa”, ngành Công thương, Hà Tĩnh đã quan tâm lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc để các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất. Con số sần 200 dự án trong nước, quốc tế đến đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh với số vốn đăng ký lên hàng chục tỷ USD trong 3 năm qua đã chứng minh sức hút của vùng đất Hà Tĩnh giàu tiềm năng.

Với những cách làm năng động này, suốt từ 2008 đến nay Hà Tĩnh luôn lọt vào tốp đầu cảu nước về mức độ gia tăng giá trị sản xuất Công nghiệp - tiểu thủ Công nghiệp (CN-TTCN). Năm 2012, một lần nũa CN- TTCN Hà Tĩnh lại có mức tăng trưởng khá ấn tượng khi tổng giá trị sản xuất trong toàn ngành đạt đạt 8.513,99 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch, tăng 24,59% so với năm 2011. Trong đó, Công nghiệp khai thác 786,6 tỷ đồng tăng 20,15% so với năm trước, Công nghiệp chế biến, chế tạo 6.653,58 tỷ đồng, tăng 24,84%, Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước nóng 992,26 tỷ đồng, tăng 26,39%...

Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng này, ngay từ đầu năm 2012 ngành Công thương Hà Tĩnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế khai thác tối đa năng lực sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế đồng thời có sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Công tác thông tin, dự báo tình hình giá cả, rà soát các chi phí cho sản xuất, kinh doanh cũng được ngành Công thương Hà Tĩnh chú trọng. Mặt khác, ngành đẩy mạnh xây dựng và triển khai thực hiện những cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành CN-TTCN mũi nhọn của tỉnh như công nghiệp khai khai khoáng, chế biến nông hải sản... Ngoài ra, ngành tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để phát triển CN-TTCN ở các địa phương có lợi thế như Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên...Ngành Công thương Hà Tĩnh còn chủ động khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác giữa các ngành và giữa các thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất xã hội, tránh tình trạng khép kín, lãng phí trong đầu tư sản xuất.

Song song với các công tác trên, công tác phát triển các khu, cụm CN-TTCN tập trung cũng được ngành Công thương Hà Tĩnh hết sức quan tâm. Đến nay, trong toàn tỉnh đã có hàng chục khu, cụm công nghiệp lớn, thu hút được hàng trăm dự án với tổng vốn đầu tư thực hiện lên hàng chục tỷ USD. Điển hình là các dự án: Dự án luyện cán thép và cảng biển của tập đoàn Fomosa, dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng Tổng kho xăng dầu Vũng Áng... Bên cạnh đó, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thời gian gần đây cơ bản đã đi vào nề nếp, nhiều địa phương đã coi công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương để khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ Công nghiệp và làng nghề.

Đồng hành với các hoạt động CN-TTCN tình hình Thương mại, dịch vụ thời gian gần đây cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu từ dịch vụ ước tính năm 2012 đạt 24.469,6 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước, bằng 108,26% so với kế hoạch năm. Đi cùng với các hoạt động thương mại dịch vụ, dẫu phải đối mặt với những khó khăn, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã xuất hiện nhiều yếu tố không thuận lợi, song hoạt động xuất khẩu của tỉnh năm 2012 vẫn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2012 ước đạt trên 170 triệu USD, tăng 18,24% so với cùng kỳ năm 2011.

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp Hà Tĩnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan từ nền kinh tế Việt Nam cũng như quốc tế. Nhưng, với những chuyển biến theo chiều hướng tốt hiện nay, cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ các bộ ngành Trung ương sẽ là động lực tiếp sức cho các doanh nghiệp trên địa bàn tự tin đi tiếp chặn đường phía trước. Với quyết tâm năm 2013 mức tăng trưởng công nghiệp của tỉnh sẽ tăng trên 27,4%, hy vọng đây là cơ sở để ngành công nghiệp Hà Tĩnh sẽ có thêm những bước khởi sắc trong giai đoạn sắp tới./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast