Vì sao nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh “xin khoan” tăng giá điện?

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức giai đoạn hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Hà Tĩnh cho rằng họ sẽ phải chịu thêm “gánh nặng” nếu Nhà nước tăng giá bán điện trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo về công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 31/3/2023, Bộ Công thương đã xác nhận EVN đang lỗ tới hơn 26.235 tỷ đồng, chưa kể khoản chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ vào giá thành điện lên tới 14.726 tỷ đồng.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN đều xác nhận đã có đề xuất các cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, do giá điện tác động lớn đến đời sống người dân và kinh tế vĩ mô nên các phương án điều chỉnh giá sẽ được tính toán kỹ lưỡng.

Vì sao nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh “xin khoan” tăng giá điện?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đề xuất các cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh giá điện.

Trước đề xuất tăng giá điện của EVN, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất tỏ ra rất lo lắng bởi giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào tăng lên trong khi họ đang phải đối mặt nhiều khó khăn giai đoạn hậu COVID-19.

Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Cụm Công nghiệp Đức Thọ) chuyên sản xuất và xuất khẩu mặt hàng bao bì đi các thị trường Philippines, Singapore, Đài Loan, New Zealand... Những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn như: đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí vận chuyển tăng, chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Theo đó, doanh số bán hàng quý I/2023 chỉ đạt 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Vì sao nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh “xin khoan” tăng giá điện?

Công ty CP Bao bì Sông La Xanh kiến nghị Nhà nước không nên tăng giá trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Ông Phan Trí Nghĩa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh chia sẻ: “Giai đoạn hậu COVID-19, cộng thêm ảnh hưởng chiến tranh Nga - Ukaraine và lạm phát kinh tế nên những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu như chúng tôi đối mặt nhiều khó khăn, phải tự bù đắp chi phí. Trong khi đó, hiện nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mức cao, nếu Nhà nước tăng giá bán điện trong đợt này thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với thua lỗ”.

Công ty CP Cơ khí Công nghiệp Đức Tài (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) chuyên sản xuất các chi tiết máy phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp... xuất đi nhiều tỉnh, thành trong nước và liên kết với doanh nghiệp ở TP Hải Phòng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tại Hà Tĩnh, doanh nghiệp cung cấp các chi tiết máy phục vụ cho dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh...

Vì sao nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh “xin khoan” tăng giá điện?

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Công nghiệp Đức Tài.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc Công ty CP Cơ khí Công nghiệp Đức Tài cho biết: “Giai đoạn hậu COVID-19, đơn hàng xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh. Ngoài ra, nền kinh tế trong nước cũng chưa phục hồi hoàn toàn, tình hình sản xuất còn ảm đạm kéo theo sức tiêu thụ sản phẩm cũng không mấy khả quan. Nguồn thu của doanh nghiệp theo đó giảm sút trong khi chi phí vận chuyển, lãi suất cho vay của các ngân hàng liên tục tăng cao kể từ cuối năm 2022 là “gánh nặng” đối với doanh nghiệp. Chúng tôi có 2 xưởng sản xuất, hằng tháng tiêu tốn nhiều điện năng, nếu bây giờ giá bán điện tăng nữa thì đơn vị thực sự rất chật vật”.

Theo tìm hiểu, hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp mà hệ thống hợp tác xã trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng gặp không ít thách thức. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã bày tỏ không muốn tăng giá điện. Trường hợp buộc phải tăng giá điện thì các cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc mức tăng phù hợp và có lộ trình để các doanh nghiệp, hợp tác xã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

HTX Thắng Lợi (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) chuyên nuôi lợn nái và lợn thương phẩm quy mô lớn. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng lên tới 40% trong khi giá lợn hơi ở mức thấp đã tác động xấu tới hoạt động sản xuất. Nhiều thời điểm HTX này đối mặt với tình trạng thua lỗ nên đã phải giảm đàn nái.

Vì sao nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh “xin khoan” tăng giá điện?

Các cơ sở chăn nuôi lợn khép kín thường tiêu tốn nhiều điện năng.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Giám đốc HTX Thắng Lợi ái ngại: “Chúng tôi đang nuôi 250 con lợn nái và 1.200 con lợn thịt/lứa. Hiện nay, với giá lợn hơi 55.000 đồng/kg, tính ra HTX chỉ hoà vốn. Quy trình chăn nuôi khép kín nên mỗi tháng đơn vị tiêu thụ lượng điện năng lớn (từ 80 - 100 triệu đồng); trong khi mọi chi phí sản xuất gia tăng nếu còn tăng giá điện thì các cơ sở chăn nuôi sẽ rất khó khăn. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước nghiên cứu, cân nhắc, giữ nguyên giá điện để hỗ trợ người chăn nuôi trong bối cảnh nhiều khó khăn”.

Vì sao nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh “xin khoan” tăng giá điện?

Nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh kiến nghị nên giữ nguyên giá bán điện.

Theo ghi nhận, hiện nay, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh mức tăng và lộ trình thực hiện cần cân đối hài hòa và phải được tính toán rất kỹ. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cũng cần có phương án, giải pháp tổng thể để tiết giảm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, chủ động thích ứng linh hoạt với thị trường và nâng cao tính cạnh tranh.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast