Ảnh: POLITICO
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 75.914.989 ca, trong đó có 1.679.505 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 53.198.084 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 21.037.400 ca và 106.884 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 18/12, thế giới có tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 320.182 ca tử vong trong tổng số 17.820.517 ca nhiễm. Tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn diễn biến hết sức đáng quan ngại, với số ca tử vong vượt hơn 2.000 ca trong nhiều ngày liên tiếp.
Tại châu Mỹ, Brazil cũng lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong do mắc COVID-19 vượt quá 1.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ tháng 9. Theo số liệu của chính phủ, trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 1.092 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên gần 185.000 ca, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Quốc gia Nam Mỹ này cũng có thêm gần 70.000 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca mắc lên hơn 7,1 triệu ca.
Dịch đang diễn biến phức tạp hơn ở Colombia. Ảnh: The Jakarta Post
Cùng ngày, Colombia thông báo 12.196 ca nhiễm mới, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ giữa tháng 8, đưa tổng số ca mắc lên 1.468.795 ca, trong đó có 39.787 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh, Tổng thống Ivan Duque và giới chức y tế Colombia đã nhiều lần cảnh báo người dân tránh tập trung đông người tại các khu mua sắm, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế các bữa tiệc gia đình trong những kỳ nghỉ lễ sắp tới nhằm kiềm chế dịch bệnh.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Âu, khi nhiều nước tại nước này, trong đó có Đức, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất trong một ngày.
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất trong một ngày kể từ đầu dịch, khi vượt ngưỡng 30.000 ca nhiễm mới/ngày. Với 31.051 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm tại Đức lên 1,427 triệu ca. Cùng ngày, Đức cũng ghi nhận thêm 743 ca tử vong và đây là ngày thứ 3 liên tiếp Đức có số ca tử vong vượt 700 ca/ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Stuttgart, Đức ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo ghi nhận thêm 243 ca tử vong mới - mức cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca tử vong trên cả nước lên 17.364 ca. Cùng ngày, nước này có thêm 27.515 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 1.955.680 ca.
Theo Bộ Y tế Thụy Điển, nước này đã ghi nhận thêm 9.654 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay.
Ngày 18/12, Chính phủ Thụy Điển đã công bố các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất từ trước tới này để tăng cường khả năng đẩy lùi làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, trong đó có đề nghị người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đóng cửa các địa điểm không cần thiết.
Trước đó, Thụy Điển không yêu cầu đóng cửa trường học, các công ty hay nhà hàng. Tuy nhiên, việc xuất hiện làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, cụ thể là số ca mắc mới liên tục trong những ngày qua, đã buộc chính phủ quốc gia Bắc Âu này có biện pháp mạnh mẽ hơn.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Thessaloniki, Hy Lạp ngày 31/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Stefan Lofven cho biết các địa điểm không thiết yếu, bao gồm phòng tập, bể bơi hay thư viện, sẽ đóng tới ngày 24/1. Ông cũng cho biết chính phủ đề nghị người dân đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông vận tải trong giờ cao điểm. Thủ tướng Thụy Điển nói: “Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để vượt qua đại dịch”.
Trong khi đó, ông Johan Carlson - Giám đốc Cơ quan sức khỏe cộng đồng - cho rằng không nên coi đeo khẩu trang là hình thức thay thế cho việc duy trì giãn cách xã hội. Ông khẳng định: “Chúng tôi không nghĩ cách này có thể mang tới hiệu quả có tính quyết định nhưng ở tình huống cụ thể, đeo khẩu trang có thể tạo ra hiệu ứng tích cực”.
Theo thông báo mới nhất, Thụy Điển ghi nhận 9.654 ca mới mắc COVID-19 trong ngày 18/12, tăng cao so với con số 8.881 ca được ghi nhận trong ngày 17/12. Với 100 ca thiệt mạng mới, quốc gia Bắc Âu này cũng có tổng cộng 7.993 ca thiệt mạng vì COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Muret, Pháp ngày 17/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, cùng ngày, Văn phòng Chính phủ Slovakia thông báo Thủ tướng nước này Igor Matovic đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Slovakia ghi nhận 146.124 ca nhiễm, trong đó 1.440 trường hợp tử vong.
Tại Pháp, Phủ Tổng thống cho biết nhiều khả năng Tổng thống Emmanuel Macron đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu hồi tuần trước. Việc ông Macron có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến làn sóng truy vết trên khắp châu Âu khi nhiều cuộc gặp giữa ông Macron và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra trong những ngày gần đây. Nhiều quan chức thế giới đã thông báo tự cách ly do có tiếp xúc với ông Macron trong thời gian gần đây.
Trước tình hình trên, Đức đã quyết định lùi một tháng thời điểm tổ chức Liên hoan phim Berlin lần thứ 71 sang tháng 3/2021 và sự kiện này sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Anh, Áo và Ba Lan đã tăng cường các biện pháp phòng dịch trên cả nước.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục Anh Nick Gibb cho biết không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa mới trên toàn vùng England sau lễ Giáng sinh. Hiện cả vùng Bắc Ireland và Wales đều đã lên kế hoạch áp đặt trở lại lệnh phong tỏa sau lễ Giáng sinh nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan, làm dấy lên đề nghị vùng England cũng nên làm như vậy.
Áo cho biết sẽ tiến hành đợt phong tỏa lần 3 kéo dài từ sau lễ Giáng sinh đến hết ngày 18/1/2021. Trong đợt phong tỏa mới, tất cả các cửa hàng - trừ cửa hàng bán đồ thiết yếu, phải đóng cửa. Lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng hiện nay sẽ chuyển thành lệnh ở nhà cả ngày, với một số ngoại lệ như đi mua sắm đồ dùng thiết yếu và đi tập thể dục.
Bên cạnh đó, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sẽ phải lùi thời điểm mở cửa trở lại, thay vì ngày 24/12 theo kế hoạch ban đầu, trong khi các khách sạn và nhà hàng phải đóng cửa suốt dịp nghỉ lễ cuối năm và Năm mới.
Giới chức y tế Thụy Sĩ đã đưa các vùng của Italy và Áo khỏi danh sách các quốc gia bị coi là điểm nóng của dịch COVID-19, theo đó, những người nhập cảnh đến từ những vùng này không còn phải cách ly bắt buộc 10 ngày.
Tại châu Á, các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã bắt đầu áp đặt lệnh hạn chế đi lại giữa các địa phương sau khi nước này phát hiện một ổ dịch bệnh mới, với 28 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại khu vực bờ biển phía Bắc Sydney - thành phố đông dân nhất. Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian kêu gọi người dân ở khu vực Sydney cần cảnh giác cao độ bởi các cơ quan y tế xác định nguy cơ lây lan từ ổ dịch trên rất cao do chưa thể xác định nguồn lây nhiễm.
Đáng chú ý, Thái Lan thông báo phát hiện 4 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, sau khi quốc gia này chỉ vừa mới bắt đầu mở cửa trở lại sau nhiều tháng kiểm soát tốt dịch bệnh và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới sắp tới, Indonesia ra quyết định kể từ ngày 18/12, tất cả những người ra/vào thủ đô Jakarta của Indonesia bằng các phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh.
Người dân tập thể dục tại Sydney, Australia, ngày 2/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong bối cảnh các thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho thấy những tín hiệu khả quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã phê chuẩn vaccine phòng bệnh COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna của nước này sản xuất. Đây là loại vaccine thứ hai được Mỹ cho phép lưu hành. Tuyên bố trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: “Vaccine của Moderna hoàn toàn được phê chuẩn. Việc phân phối sẽ bắt đầu ngay lập tức”.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sự kiện này đã được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhằm làm tăng lòng tin của người dân đối với vaccine.
Trong khi đó, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha thông báo kế hoạch tiêm vaccine cho người dân, bắt đầu từ ngày 27/2. Trong bối cảnh các thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho thấy những tín hiệu khả quan, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha thông báo kế hoạch tiêm vaccine cho người dân, bắt đầu từ ngày 27/2.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Malaysia. Ảnh: The Straits Times
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.638 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 31.340 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với 19.514 ca tử vong, Indonesia là quốc gia người thiệt mạng vì COVID-19 nhiều thứ 3 châu Á.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt. Trong ngày 18/12, nước này có 25 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Malaysia. Ảnh: The Straits Times
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.683 ca bệnh mới, song trong 1 ngày qua nước này không chứng kiến ca tử vong nào vì COVID-19. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 3 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.116 ca bệnh mới và 21 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 16/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 31.346 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 170 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.376.452 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.184.912 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Trong khi đó, Timor Leste, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 18/12.