Năm 2010, anh Trần Thanh Nhàn (SN 1987) tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Đà Lạt. Sau thời gian làm việc ở một số doanh nghiệp tại thành phố Hà Tĩnh với thu nhập khá ổn định, anh Nhàn vẫn muốn chuyển hướng làm ăn.
Một góc khu trang trại tiền tỷ của anh Trần Thanh Nhàn
Anh Nhàn chia sẻ: “Mặc dù có công việc ổn định, được làm đúng ngành nghề đào tạo và có thu nhập khá nhưng dù sao thì cũng chỉ là người làm thuê, trong khi tôi lại rất muốn được chủ động quyết định công việc cũng như cuộc sống của bản thân”.
Ý tưởng muốn được làm “ông chủ” của anh Nhàn lớn dần lên khi ở quê, bố mẹ của anh có 5 ha đất rừng chưa đưa vào sản xuất tại vùng Đá Bạc (thôn Minh Châu). Chính đây cũng trở thành “bến đỗ” để anh thỏa chí làm chủ, sản sinh ra nhiều của cải vật chất cho gia đình và quê hương.
Anh Nhàn kiểm tra hệ thống cấp nước cho đàn gà.
Năm 2016, sau khi lập gia đình, được sự đồng ý, cổ vũ của người thân, anh chính thức xin nghỉ việc ở doanh nghiệp, trở về quê, khăn gói lên với rừng lập trại, ngày ngày cùng vợ khai khẩn, quy hoạch để phát triển kinh tế trang trại.
Khu vực Đá Bạc những ngày đầu còn hết sức hoang vu, song, vùng đất này lại có không ít lợi thế để phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp. Đó là vùng đất có địa hình bằng phẳng, 4 bên tựa vào núi, có suối nước bốn mùa không cạn, lại gần đường trục chính của xã Lâm Hợp.
Lứa gà đầu năm 2023 chuẩn bị được xuất chuồng, hiện đạt trọng lượng bình quân khoảng trên 1,7kg/con.
Sau nhiều tháng cần mẫn khai phá đất đai, vợ chồng anh đã đầu tư xây dựng được một dãy chuồng để nuôi gà gia công, liên kết với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star ở thành phố Vinh (Nghệ An). Cùng đó, anh trồng nhiều loại cây ăn quả như: cam, bưởi, hồng xiêm… Với các diện tích đất có độ dốc cao, anh trồng cây keo tràm nguyên liệu.
Theo quy định của doanh nghiệp đối tác, diện tích dãy chuồng nuôi gà công nghiệp của anh rộng 600m2, thả nuôi 5.000 con/lứa; mỗi năm nuôi 2 lứa theo hình thức nuôi gia công. Gia đình chỉ phải bỏ tiền đầu tư chuồng trại, công chăm sóc, còn lại đối tác lo toàn bộ từ giống, thức ăn chăn nuôi, vắc xin phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Khi gà xuất chuồng, công ty trả chi phí cho người nuôi với 6 triệu đồng/tấn. Như vậy, với 10.000 con/năm (1 dãy chuồng), có tổng trọng lượng khoảng 17 tấn, anh được trả trên 100 triệu đồng/năm.
Nuôi gà liên kết, người dân không phải lo thị trường đầu ra.
Với điểm trại cách xa khu dân cư, lại được thực hiện quy trình xử lý chuồng trại bằng đệm lót sinh học, môi trường khu vực trang trại đảm bảo; sau thành công lứa nuôi đầu tiên, anh Nhàn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm 2 dãy chuồng tương tự, đưa quy mô thả nuôi 15.000 con/lứa, tương đương 30.000 con/năm, đạt tổng trọng lượng trên 50 tấn gà thương phẩm; đưa lại nguồn thu trên 300 triệu đồng/năm.
Khu vực trồng cây ăn quả của trang trại.
Cùng với các khoản thu từ cây keo tràm (thu hoạch cuốn chiếu hằng năm) và các loại cây ăn quả, hiện gia đình có thu nhập gần 500 triệu đồng năm từ khu trang trại này.
Ngoài việc ổn định về quy mô chuồng trại nuôi gà và diện tích cây keo tràm, cây ăn quả, gần đây, anh Nhàn đã bắt đầu đưa ong lấy mật vào nuôi thử, bước đầu, trên 10 tổ ong đã cho hiệu quả kinh tế.
Đàn ong mới được anh Nhàn đưa vào nuôi thử nghiệm đã cho thu hoạch khá cao.
Theo anh Nhàn, nơi vùng núi gần như bốn mùa đều có các loài hoa tự nhiên này, đàn ong cho mật thường xuyên, chất lượng mật hoàn toàn tự nhiên nên được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Hiện nay, nhiều khách hàng tìm đến đặt mua nhưng lượng hàng còn ít chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, thời gian tới, anh dự định tiếp tục nhân rộng đàn ong.
“Về lâu dài, tôi sẽ vận động bà con cùng phát triển nghề nuôi ong lấy mật, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong nơi vùng thượng này” - anh Nhàn chia sẻ.
Rừng tràm trên 3 ha, gần 3 năm tuổi của gia đình anh Nhàn. Keo tràm không chỉ là cây gỗ nguyên liệu mà còn cung cấp một lượng hoa lớn phục vụ nuôi ong lấy mật.
Mô hình kinh tế của anh Trần Thanh Nhàn là một trong những mô hình trang trại có hiệu quả bền vững ở địa phương. Không chỉ có hiệu quả về kinh tế, chủ trang trại còn làm rất tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hiện tại, vốn đất của xã có thể phát triển trang trại còn khá lớn, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân có điều kiện triển khai phát triển kinh tế trang trại theo hướng liên kết như mô hình của anh Nhàn. Qua đó, vừa nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo về môi trường để phát triển bền vững.