Triều Tiên trình làng nhiều tên lửa
Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử tên lửa Hwasong-12 ngày 30/1. Ảnh: CNN
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Hwasong-17 đã bay trong 67,5 phút; đạt tầm bắn 1.090 km và độ cao tối đa 6.248 km. Vụ phóng thử thành công này phản ánh bước phát triển của chương trình tên lửa Triều Tiên.
Kênh Al Jazeera đưa tin rằng Hwasong-17 được cho có thể mang nhiều đầu đạn. Đây cũng là vụ thử tên lửa thứ 11 của Triều Tiên tính từ đầu năm đến nay.
Trong thời gian gần đây, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công nhiều vũ khí mới. Tháng 1 vừa qua, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa tầm ngắn từ tàu hỏa. Việc phóng tên lửa từ tàu hỏa được coi là sáng tạo và ấn tượng. Nhưng tên lửa phóng từ tàu hỏa không phải là một vũ khí mạnh đối với Triều Tiên bởi hệ thống đường sắt khiêm tốn tại nước này đồng nghĩa với việc chúng dễ bị phát hiện và hủy diệt.
Xét đến việc Triều Tiên đã có các thiết kế tên lửa di động trên đường hiệu quả, có thể ẩn náu ở bất cứ đâu nên ít có khả năng bị phát hiện hơn. Trong khi thiết kế của vũ khí phóng từ tàu hỏa này có nét giống tên lửa Hyunmoo (Hàn Quốc) và Iskander (Nga).
Một vụ phóng thành công tên lửa từ tàu ngầm trong năm 2021 còn cho thấy, Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa từ bất cứ nơi đâu. Tuy Triều Tiên chỉ có đúng một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Gorae nhưng nó sẽ hoạt động như biện pháp răn đe ở thời điểm diễn ra căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ-Hàn Quốc.
Một tên lửa khác được thử nghiệm vào ngày 5/1/2022 cũng cho thấy khả năng vượt mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa. Các nước láng giềng của Triều Tiên cũng xác nhận về đường bay bất thường của tên lửa này.
Hàn Quốc đổi tư thế phòng thủ
Người dân theo dõi chương trình về phóng tên lửa Triều Tiên tại Seoul ngày 30/1. Ảnh: CNN
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính Hàn Quốc mới là quốc gia có nhiều thay đổi nhất trong thời gian gần đây thay vì Triều Tiên tại Bán đảo Triều Tiên.
Không còn sẵn sàng dựa vào sự giúp đỡ từ Mỹ, đặc biệt là khi mối liên kết đã yếu đi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Hàn Quốc nhận thấy rằng Washington không còn luôn luôn sẵn sàng ra mặt hỗ trợ, do vậy họ đã tự khởi động chương trình vũ khí nội địa.
Hàn Quốc không chỉ ngưng thỏa thuận nhiều năm với Mỹ về hạn chế tên lửa dân sự và các thiết kế tên lửa tiên tiến mà nước này còn tự thiết kế và thử nghiệm thành công tên lửa. Mặc dù hầu hết chúng là tên lửa tầm ngắn nhưng đều mang công nghệ tiên tiến, có thể bay thấp và nhanh. Những tên lửa này của Hàn Quốc có năng lực bay theo hướng không thể dự đoán trước do vậy có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Triều Tiên trong thời gian ngắn.
Hàn Quốc cũng sở hữu tàu ngầm mang tên lửa của riêng nước này có thể phóng thành công tên lửa từ dưới nước. Điều này chứng tỏ Hàn Quốc cũng có năng lực tấn công trả đũa. Hàn Quốc cũng lên kế hoạch bổ sung thêm nhiều tàu ngầm mang tên lửa, qua đó đưa Seoul vào nhóm 8 quốc gia sở hữu tàu ngầm tên lửa.
Một sự thay đổi lớn khác là thế trận phòng thủ của Hàn Quốc. Cùng ngày Triều Tiên phóng ICBM hôm 24/3, Hàn Quốc cũng thử nhiều tên lửa. Một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử ICBM, Không quân Hàn Quốc triển khai hoạt động huấn luyện với 28 tiêm kích F-35. Những diễn biến này cho Bình Nhưỡng và thế giới thấy rằng Seoul không còn bỏ qua các cuộc thử nghiệm tên lửa từ Triều Tiên và sẽ có phản ứng tương xứng.
Chính sự tăng cường mạnh mẽ của chính sách Hàn Quốc đối với Triều Tiên sẽ góp phần xác định lại quan hệ giữa hai quốc gia trong bối cảnh Seoul tăng đều đặn kho vũ khí chiến lược của mình để phản ứng trước hàng loạt vụ phóng tên lửa thành công của Bình Nhưỡng.