Cuộc chiến thông tin đốt nóng khủng hoảng Ukraine

Nga và Mỹ dẫn dắt hai dòng thông tin trái ngược về mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng Ukraine, khiến dư luận ngày càng hoang mang.

Các quan chức Mỹ, cả công khai lẫn giấu tên, gần đây liên tục tung ra những cảnh báo về một chiến dịch tấn công tổng lực của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Tình báo Mỹ ngày 5/2 công bố báo cáo, đánh giá Nga đủ khả năng “tràn ngập Kiev” chỉ trong 72 giờ kể từ khi xung đột bùng phát và khiến khoảng 50.000 dân thường thiệt mạng.

Một ngày sau, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Nga đã triển khai 130.000 lính sát biên giới Ukraine và có khả năng mở chiến dịch quân sự “bất kỳ lúc nào”. Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cảnh báo khoảng 30.000 công dân Mỹ đang sống ở Ukraine “nên rời khỏi nước này”.

Chính quyền Biden ngày 9/2 thậm chí còn phê duyệt kế hoạch huy động lực lượng binh sĩ đồn trú ở Ba Lan chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng giúp đỡ hàng nghìn công dân Mỹ có thể phải rời khỏi Ukraine trong trường hợp Nga tấn công.

Trong khi đó, Nga lại đang phát đi thông điệp trái ngược hoàn toàn. Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy chỉ trích mọi đánh giá tình hình của Mỹ là “điên rồ và gieo rắc sợ hãi”. Ông cho rằng chính Mỹ đang cố ý truyền bá thông tin sai sự thật về khủng hoảng Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 7/2 cáo buộc Mỹ cùng Anh đang lợi dụng căng thẳng với Nga để “đẩy lửa ra ngoài”, đánh lạc hướng dư luận khỏi hàng loạt khủng hoảng chính trị nội bộ.

Cuộc chiến thông tin đốt nóng khủng hoảng Ukraine

Binh sĩ Ukraine học cách sử dụng tên lửa vác vai do Mỹ cung cấp trong cuộc diễn tập gần căn cứ Yavoriv hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Truyền thông nhà nước Nga lại nhắm vào Kiev, mô tả Ukraine là bên hành xử hung hăng làm gia tăng tình trạng đối đầu.

Trong vài ngày qua, nhiều kênh truyền hình Nga cáo buộc quân đội chính phủ Ukraine có những động thái chuẩn bị tấn công vào vùng ly khai ở miền đông nước này, đi ngược lại thỏa thuận Minsk về giảm xung đột vùng Donbass được ký năm 2015. Phương Tây từng bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể dựa vào cáo buộc “phe ly khai ở Donbass bị tấn công” để tạo cớ can thiệp quân sự vào Ukraine, với danh nghĩa bảo vệ người gốc Nga ở khu vực.

Oleksandr Danylyuk, cựu quan chức an ninh Ukraine, cho rằng cuộc chiến thông tin đang diễn ra và Mỹ đã khiến người dân Ukraine bối rối, chia rẽ về tình trạng thực sự của cuộc khủng hoảng. Trong khi một số người Ukraine tham gia các khóa huấn luyện tự vệ, lên kế hoạch sơ tán vì lo ngại “bóng ma chiến tranh”, nhiều người khác vẫn tận hưởng cuộc sống bình thường , cho rằng mối đe dọa xung đột đang bị truyền thông phương Tây thổi phồng.

“Môi trường thông tin hiện rất nhiễu loạn”, nhà phân tích Ivana Stradner thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, tổ chức nghiên cứu có lập trường bảo thủ trong nhiều vấn đề lợi ích quốc gia, nhận định. Tình trạng hỗn loạn đó khiến người dân Ukraine phân vân không biết tin ai.

Stradner cho rằng đây là dấu hiệu của một cuộc “chiến tranh thông tin”, một phần trong học thuyết “chiến tranh đa mặt trận” mà Nga nhiều lần sử dụng trong xung đột ở Ukraine. Chiến tranh thông tin được bà định nghĩa gồm nhiều mũi tấn công, từ định hướng sai dư luận về thực trạng vấn đề, lan truyền thông tin sai lệch qua mạng xã hội đến tấn công mạng nhắm vào các hãng truyền thông và cổng thông tin chính phủ.

Một số chuyên gia phương Tây như Stradner cho rằng chiến tranh thông tin là “vũ khí chiến lược phi hạt nhân của Nga”, nhằm khiến công chúng bối rối, không biết phải tin vào dòng thông tin nào, qua đó tạo ra bầu không khí sợ hãi và lo âu trong dư luận.

Stradner nhận định Nga đang buộc dư luận thế giới “bàn luận về điều Nga muốn”, khi lái vấn đề khỏi Crimea và vai trò của Moskva trong xung đột phía đông Ukraine sang nguy cơ đối đầu từ tham vọng mở rộng về phía đông của NATO.

Edward Hunter Christie, cựu chuyên viên phân tích cho NATO và đang làm việc cho Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, cáo buộc Nga mở chiến dịch gây nhiễu thông tin nhằm xây dựng hình ảnh đất nước đang bị NATO dồn đến đường cùng.

Christie chỉ ra rằng Nga đã huy động một lực lượng quân sự đáng kể tập trung sát sườn Ukraine. Quá trình này diễn ra công khai cho chính phủ các nước khác và giới quan sát theo dõi, không riêng cộng đồng tình báo nắm được thông tin.

Stradner đánh giá nỗ lực tuyên truyền của Moskva đang phát huy hiệu quả, ít nhất là tại Đông Âu. Phần đông dư luận ở Nga , Slovakia và các khu vực miền đông nước Đức tin rằng Mỹ cùng NATO mới là nguyên nhân gây ra khủng hoảng hiện nay.

Cuộc chiến thông tin đốt nóng khủng hoảng Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung với Tổn thống Pháp Emmanuel Macron tại Kiev hôm 8/2. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov lại cho rằng chính phương Tây mới là bên phát động “chiến tranh thông tin” nhắm vào Nga.

“Không ai có thể phủ nhận rằng chiến tranh thông tin đang diễn ra. Việc hãng Bloomberg gần đây xuất bản bài báo sai sự thật rằng Nga đã xâm lược Ukraine là một minh chứng cho chiến dịch thông tin không thể chấp nhận đó”, Antonov nói. Bloomberg cuối tuần trước đăng nhầm bản tin có tiêu đề “Nga tấn công Ukraine”, nhưng đã gỡ xuống sau 30 phút.

Antonov khẳng định không có bất kỳ quan chức cấp cao nào của Nga từng tuyên bố rằng Moskva sẽ tấn công quốc gia khác. “Tất cả đều là tin giả”, đại sứ này nói.

Tại Ukraine, giới lãnh đạo nước này dường như đang nỗ lực giúp người dân bình tĩnh giữa các luồng thông tin trái ngược, đồng thời hạ thấp nguy cơ nổ ra chiến tranh.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 24/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tỏ ra thắc mắc lý do dư luận ồn ào về những diễn biến gần đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cùng ngày còn chỉ trích Mỹ rút thân nhân các nhà ngoại giao và nhân viên trong đại sứ quán ở Kiev về nước là “thận trọng quá mức”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/2 khẳng định không quốc gia châu Âu nào đủ sức gây áp lực khiến Nga điều chỉnh chính sách. Ông kỳ vọng nhiều hơn vào triển vọng hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Nga, Pháp và Đức.

“Tổng thống Zelensky đang không tin tưởng Biden và nước Mỹ. Lãnh đạo Ukraine cũng hoài nghi thông tin tình báo nội bộ, do phần lớn báo cáo tình hình được cung cấp từ các đối tác phương Tây”, Danylyuk, cựu quan chức an ninh Ukraine, nhận định, thêm rằng những thông tin trái chiều cùng giọng điệu cứng rắn có thể cản trở nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng.

Cuối tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price công bố “thông tin tình báo” cáo buộc Moskva đang lên kế hoạch dàn dựng một video “quân đội Ukraine tấn công phe ly khai thân Nga” để tạo cớ động binh. Tuy nhiên, Matt Lee, phóng viên của AP, chất vấn ngay tại cuộc họp báo rằng Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc trên, ngoại trừ thông tin từ “quan chức giấu tên”.

“Thật buồn khi anh nghi ngờ thông tin của chính phủ Mỹ”, Price trả lời, giải thích rằng Washington công bố thông tin tình báo này để răn đe Nga, ngăn Moskva thực hiện hành động như vậy. “Nhưng lạy Chúa, chúng đều là những thông tin không thể chứng minh được”, phóng viên Lee đáp lại. Video cuộc đối đáp giữa Lee và Price lan truyền trên mạng xã hội, với hàng triệu lượt xem.

“Cách Mỹ liên tục đưa ra những cáo buộc về hành động quân sự của Nga có thể phản tác dụng”, Deborah Haynes, bình luận viên an ninh, quốc phòng của Sky News, nhận định. “Putin có thể đơn giản là tiếp tục án binh bất động, khiến phương Tây bị tổn hại uy tín, giống như cậu bé chăn cừu liên tục la toáng lên về con sói”.

Theo Yahoo News, WP, Sky News, VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.