“Cuộc thi có ý nghĩa hết sức to lớn. Đây là dịp để người dân nắm bắt nội dung Hiến pháp nhằm thực hiện đúng tinh thần sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, chị Trần Thị Lân - Chuyên viên Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp, người đạt thành tích cao nhất (giải đặc biệt) cuộc thi phấn khởi chia sẻ.
Cùng với chị Lân, “sân chơi” này cũng là nơi vinh danh một số cá nhân tiêu biểu như chị Trần Thị Thuận (Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà), Đoàn Thanh Thảo (Sở Ngoại vụ)… Dẫu bận rộn với công việc chuyên môn nhưng lòng say mê, nhiệt huyết và hơn hết là trách nhiệm của một công dân, họ đã dành thời gian mày mò, tìm hiểu thông tin về Hiến pháp để bài thi có sức hấp dẫn, sáng tạo, thuyết phục được ban giám khảo.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long trao giải A cho tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp và cán bộ, nhân dân huyện Cẩm Xuyên trong Cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp |
Đặc biệt, đợt sinh hoạt chính trị không chỉ nhận được sự quan tâm của cán bộ và nhân dân thuộc nhiều ngành, lĩnh vực, vùng miền, đa dạng về trình độ mà còn thu hút sự tham gia của các thí sinh nhỏ tuổi như em Phan Đăng Khoa (lớp 3A Trường Tiểu học Xuân Lĩnh, Nghi Xuân) và thí sinh cao tuổi vẫn miệt mài, say sưa nghiên cứu với tinh thần và quyết tâm cao như ông Nguyễn Hữu Ngô (SN 1931, thị trấn Hương Khê).
Với những câu hỏi được đánh giá là xuyên suốt tinh thần Hiến pháp; yêu cầu chỉ rõ những điểm mới, sửa đổi, bổ sung, các nội dung và cách thức thực hiện quyền lực nhà nước, nội dung cuộc thi không chỉ tập trung vào Hiến pháp 2013 mà còn điểm lại 4 bản Hiến pháp trước, tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội tìm hiểu về văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Đặc biệt, câu hỏi 9 với nội dung mở giúp người dự thi đưa ra những quan điểm, chính kiến cá nhân, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
Theo đánh giá, nhiều cá nhân có bài dự thi thể hiện sự đầu tư công phu và chất lượng, liên hệ thực tiễn, gắn với thực hiện phong trào toàn dân sống, lao động, học tập theo Hiến pháp và pháp luật với hình ảnh minh họa sinh động, thể hiện ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Nhiều đơn vị, địa phương tổ chức tốt cuộc thi như Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT, Cục Hải quan; các huyện, thị: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Vũ Quang, Hồng Lĩnh…
Qua chấm vòng loại từ cơ sở, đã có 464/242.716 bài dự thi lọt vào vòng chung khảo cấp tỉnh. Tại vòng chung khảo toàn tỉnh, Ban Tổ chức đã chọn 49 bài xuất sắc để trao giải gồm: 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất cùng các giải nhì, ba, khuyến khích và giải tập thể cho cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tốt cuộc thi. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn dành 4 giải phụ cho thí sinh nhỏ tuổi nhất và cao tuổi nhất có bài chất lượng; thí sinh có phần liên hệ thực tiễn xuất sắc nhất và thí sinh có bài trình bày công phu nhất nhằm động viên, khích lệ sự nỗ lực của các thí sinh.
Chị Trần Thị Lân - Chuyên viên Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp, người đạt thành tích cao nhất (giải đặc biệt) cuộc thi. |
Đặc biệt, Hà Tĩnh là địa phương duy nhất trên toàn quốc chỉ chấp nhận bài dự thi viết tay. Với hình thức trình bày này, đòi hỏi thí sinh phải kiên nhẫn, tìm hiểu kỹ và sát sao hơn các nội dung của Hiến pháp. Ngoài ra, việc Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi từ vòng sơ khảo cấp huyện đến chung khảo cấp tỉnh đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của toàn xã hội.
Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng khẳng định: “Kết quả quan trọng và thành công nhất cuộc thi mang lại là sân chơi này đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân, góp phần đưa Hiến pháp mới của nước nhà đi vào cuộc sống”.
Thực tế từ cuộc thi cho thấy, mỗi cá nhân tham gia hiểu sâu sắc hơn về tinh thần, nội dung, vai trò, ý nghĩa to lớn của Hiến pháp nhằm nâng cao nhận thức về ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất mà cuộc thi hướng tới.