Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bình Dương cùng bị tuyên phạt 7 năm tù

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm bị tòa tuyên phạt 7 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát.

Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bình Dương cùng bị tuyên phạt 7 năm tù

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Sau hơn nửa tháng xét xử và nghị án, chiều 30/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương - viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương) bị tuyên phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí,“13 năm tù về tội “Tham ô tài sản,” tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Minh là 27 năm tù.

Bị cáo Trần Nguyên Vũ (sinh năm 1977, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương ) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí,“11 năm tù về tội “Tham ô tài sản,” tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Vũ là 23 năm tù.

Bị cáo Huỳnh Thanh Hải (sinh năm 1964, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu Thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) bị phạt 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí,“8 năm tù về tội “Tham ô tài sản,” tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Hải là 17 năm tù.

Ba bị cáo: Võ Hồng Cường (sinh năm 1965, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Vượng) bị phạt 5 năm tù; Nguyễn Thục Anh (sinh năm 1982, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển) và Trần Đình Như Ý (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển) đều bị phạt 3 năm tù treo về cùng tội “Tham ô tài sản."

Bị cáo Trần Văn Nam (tên gọi khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) và Trần Thanh Liêm (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) cùng bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các bị cáo còn lại cùng bị kết án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí," trong đó có 11 bị cáo khác đều nguyên là cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương gồm: Ngô Dũng Phương (sinh năm 1964, Trưởng phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương) 4 năm tù;

Vũ Thị Lợi (sinh năm 1975, Phó Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương) 30 tháng tù;

Nguyễn Kim Liên (sinh năm 1964, cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương) 4 năm tù;

Hà Văn Thuận (sinh năm 1970, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương) 4 năm tù;

Lê Văn Trang (sinh năm 1959, cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương) 7 năm tù.

Võ Thanh Bình (sinh năm 1954, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương) bị phạt 6 năm tù; Nguyễn Thái Thanh (sinh năm 1968, Phó Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất - nay là phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác - Cục Thuế tỉnh Bình Dương) 5 năm tù; Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1965, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, cựu Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) 4 năm 6 tháng;

Võ Văn Lượng (sinh năm 1962, cựu Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, cựu Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) 3 năm 6 tháng tù;

Trần Xuân Lâm (sinh năm 1968, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, cựu Trưởng phòng Kinh tế ngành thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) 4 năm 6 tháng tù;

Phạm Văn Cành (sinh năm 1958, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương) bị phạt 3 năm tù treo.

Các bị cáo còn lại trong vụ án gồm: Huỳnh Công Phát (sinh năm 1958, cựu thành viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) và Lý Thanh Châu (sinh năm 1982, cựu Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) cùng bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù;

Nguyễn Thế Sự (sinh năm 1978, thành viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, cựu Kiểm soát viên Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) 5 năm 6 tháng tù;

Đỗ Thị Thanh Thúy (sinh năm 1985, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) 30 tháng tù;

Hồ Đắc Hiếu (sinh năm 1974, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam) 5 năm tù;

Phạm Hữu Hiền (sinh năm 1987, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam) 4 năm tù;

Hồ Hoàng Nam (sinh năm 1989, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam) 3 năm 6 tháng;

Nguyễn Đại Dương (sinh năm 1965, trú tại phường Thảo Điền, quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức), Thành phố Hồ Chí Minh) 5 năm tù;

Nguyễn Quốc Hùng (sinh năm 1959, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc) 3 năm 6 tháng tù.

Theo bản án sơ thẩm, Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Tất cả tài sản của Tổng Công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước.

Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bình Dương cùng bị tuyên phạt 7 năm tù

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty Bình Dương, các bị cáo đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Cụ thể, bị cáo Trần Văn Nam biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quy định giao đất năm 2012 và 2013 là trái quy định, nhưng vẫn ban hành công văn để thu tiền sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 716 tỷ đồng.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha “ đất vàng ” và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Tuy nhiên, các bị cáo đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục, thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hóa thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể là Nguyễn Đại Dương và bán cho công ty tư nhân. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát cho Nhà nước gần 985 tỷ đồng.

Đối với khu “đất vàng” 145ha, Hội đồng xét xử nhận định, quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo Nguyễn Văn Minh cùng các đồng phạm cố ý loại trừ khu đất 145ha không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 4.030 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Thanh Liêm cùng các bị cáo thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã làm trái các quy định của pháp luật khi không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 145ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp dẫn đến bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn 4.030 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi tiến hành cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, do cần có nguồn tiền để xử lý khoản nợ mà bị cáo Minh cùng các bị cáo Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải sử dụng trước đó và cần tiền để xử lý các vấn đề tài chính khác, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã đưa ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc chi gần 965 tỷ đồng để mua 9.120.000 cổ phần với giá 105.737 đồng/cổ phần, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Bình Dương hơn 815 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử nhận định cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 28 bị cáo về các tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí," “ Tham ô tài sản ” là có căn cứ pháp luật, đúng người, đúng tội.

Hành vi của các bị cáo trong vụ án này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước, cố ý thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật, giúp sức cho việc thực hiện chi sai nguyên tắc, gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.

Đánh giá tính chất mức độ, vai trò phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử xác định, bị cáo Nguyễn Văn Minh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương, là người chịu trách nhiệm chính và cao nhất trong việc điều hành hoạt động và quản lý tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty Bình Dương.

Trong vụ án này, bị cáo Minh giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo tổ chức cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, do vậy bị cáo Minh phải chịu trách nhiệm cao nhất trong số các bị cáo.

Các bị cáo thuộc Hội đồng thành viên của Tổng Công ty Bình Dương là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Minh, chịu trách nhiệm tiếp sau bị cáo Minh.

Nhóm bị cáo thuộc Công ty cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam bị tòa xác định đã giúp sức tích cực các bị cáo thuộc Tổng Công ty Bình Dương, không xác định giá trị khu đất 145 vào danh sách cổ phần hóa nhà nước.

Nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Dương bị xác định đã tạo điều kiện cho nhóm bị cáo thuộc Tổng Công ty Bình Dương vi phạm pháp luật, hợp thức hóa thủ tục để bị cáo Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng khu đất 43ha, không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 145 ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp, tạo điều kiện để bị cáo Minh và đồng phạm không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước…/.

Theo Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.