Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 5/6, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). |
Tổ số 16 gồm ĐBQH các tỉnh: Cao Bằng, Đồng Nai, Hà Tĩnh.
Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia
Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng, sau hơn 10 năm thực thi, các quy định đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, một số quy định của luật hiện hành còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước...
Các đại biểu tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Ngoài ra, đại biểu còn tập trung góp ý vào các nội dung dự thảo luật về: bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước. Các đại biểu đề nghị làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch. Bổ sung quy định về quyền của tổ chức khai thác, sử dụng nước được Nhà nước hỗ trợ khi phải điều chỉnh chế độ khai thác, vận hành công trình theo yêu cầu; quy định cụ thể nguyên tắc thu, cách tính thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Tăng cường sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tính dụng
Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), các đại biểu khẳng định đây là cơ sở pháp lý để TCTD nâng cao chất lượng công tác quản trị, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng; lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quản Minh Cường - ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Cần có các quy trình, thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, kiểm soát tín dụng đen; xem xét lại cơ chế hoạt động của các quỹ tín dụng.
Vì vậy, các đại biểu thống nhất việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các TCTD; tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD.
Đồng thời khắc phục một số hạn chế, bất cập của luật hiện hành, như: Về khoản vay đặc biệt, tài sản bảo đảm khoản vay đặc biệt, kiểm soát đặc biệt TCTD. Các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD còn vướng mắc liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về ngân hàng chính sách; tỷ lệ sở hữu cổ phần; giới hạn cấp tín dụng; tài chính, hạch toán, báo cáo; can thiệp sớm TCTD; kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời, đề nghị báo cáo rõ thêm về tình hình xử lý các TCTD mua bắt buộc và đặt vào kiểm soát đặc biệt trong thời gian qua.
Bảo vệ nguồn nước bền vững tạo sinh kế cho người dân
Phát biểu thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc của luật hiện hành, từ đó thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi hai luật này.
Đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước, các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh đề nghị đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trực tiếp sử dụng nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nguồn nước; làm rõ cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ.
Ngoài ra, hoạt động xả thải vào nguồn nước cần yêu cầu phải xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bổ sung quy định cơ chế tài chính khi cấp nước cho các mục đích sử dụng khác nhau phải tính đến lượng nước thải và chi phí để xử lý nước thải sau sử dụng nhằm bảo vệ hiệu quả nguồn nước. Có các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.
Đối với sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị tiếp tục rà soát, phân loại nợ xấu phù hợp; những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong luật; làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ tài chính của các tổ chức tín dụng; tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, đề nghị sửa đổi các quy trình, thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân; tăng cường hơn nữa hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, mở rộng sự tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp cần có vốn giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống người dân.