Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân xứ Nghệ đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xứ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh) có nhiều con sông chảy từ Tây sang Đông với lưu vực rộng, nhiều chi lưu như sông Lam, sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Minh… và vùng đồng bằng duyên hải rộng lớn. Đây cũng là miền đất núi non hùng vĩ, nên thơ, hữu tình; sông La in bóng núi Hồng, Tam Soa in bóng Quần Hội… Miền đất đầy nắng gió này trong nhiều thời kỳ của lịch sử phải chịu sự tàn phá của chiến tranh. Nhưng cũng chính nơi này, con người luôn kiên cường, bất khuất vượt lên nắng hạn, bão giông, sẵn sàng đi đầu bước trước trong mọi cuộc cách mạng, yêu lao động, đam mê sáng tạo và trao truyền văn hóa. Đặc biệt, cư dân xứ Nghệ có tâm hồn khoáng đạt, gắn bó với thiên nhiên, yêu đời, rất lãng mạn và tài hoa. Ẩn sau giọng nói âm vực nặng, dáng vẻ bên ngoài thô mộc là một thế giới nội tâm phong phú, giàu cung bậc. Giữa bao gương mặt của trăm vùng, người ta vẫn phân biệt được người xứ Nghệ với những nét riêng, gần gũi mà cao sang, chân mộc mà thanh tao, quê kiểng mà sâu sắc, thâm trầm mà hài hước, nghiêm cẩn mà bao dung, gian khổ vẫn vui cười.
Lẽ thường, sống như thế nào thì sẽ hát lên như vậy. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian (Folklore) có từ lâu đời của cư dân xứ Nghệ, phản ánh tâm hồn, tình cảm của người Nghệ trong lao động sản xuất, trong cuộc sống thường ngày. Nhịp điệu, ca từ của dân ca ví, giặm phỏng theo nhịp điệu lao động, lời ăn tiếng nói của phường vải, phường nón, phường cấy, người chèo thuyền trên sông nước... Lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, lòng nhân ái, nghĩa tình… luôn được thể hiện trong nội dung ca từ. Phương ngữ xứ Nghệ được đưa vào tạo nên nét dí dỏm, trào lộng, hấp dẫn, riêng biệt của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Về cấu trúc âm nhạc, cố nhạc sĩ Lê Hàm từng nhận định: “Ví phường vải bắt đầu là chữ “Người ơi” nhẹ nhàng, tha thiết, cấu tạo bằng một quãng 3 thứ, sau đó chuyển sang 2 trưởng (Người ơi ơ, thiếp thương chàng đừng cho ai biết…). Ví đò đưa sông La, chữ “Người ơi” bắt đầu vào bài cất vút lên cao, ở quãng 2 trưởng, bởi câu ví được hình thành trong khoảng không gian bao la của dòng sông La. (Người ơi! Dưới bến Tam Soa sương trùm sóng vỗ…). Còn ví đò đưa sông Lam lại khác, cũng bắt đầu vào bài bằng “Người ơi”, cấu tạo giai điệu ở quãng 3 thứ (la-đô hoặc sol-si) vì sông rộng và mênh mang hơn (Ờ ơ… chơ ai biết nước sông Lam răng là trong là (ờ) đục...). Cũng theo nhạc sĩ Lê Hàm, các bài hát ví sông Lam, sông La hầu hết sử dụng làn điệu ví nước xuôi. Các nhạc sĩ sau này sáng tác dân ca Nghệ Tĩnh khi sử dụng làn điệu ví cũng là ví nước xuôi, ít sử dụng ví nước ngược. Ca từ của hát ví chủ yếu là thơ lục bát, song thất lục bát hoặc lục bát biến thể.
Khác với cấu trúc âm nhạc của ví, giặm lại có nhịp điệu nhanh, gấp gáp. Để phù hợp với tiết tấu âm nhạc, ca từ của giặm sử dụng thơ ca dân gian 5 chữ, lời ngắn, nhịp 3/2, lặp lại câu cuối để người khác có thể hát thêm (giặm) vào (Khách xa gần ở lại/ Cô bác xa gần ở lại). Giặm ra đời ít liên quan đến nghề nghiệp mà chứa đựng nhiều thông tin lịch sử, địa lý, thời sự hoặc tình cảm lứa đôi dồn nén cần bộc lộ nhiều hơn nên được xen vào giữa các câu ví (Bạc tình chi rứa mự/ Chi bạc tình rứa mự)… Lối diễn xướng của ví, giặm có khi hát một mình, có khi hát với sang thuyền (hoặc nhóm lao động) bên kia, hoặc đối đáp từng tốp, từng đôi nam nữ. Việc các bậc nho sĩ văn nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu… tham gia vào hát và sáng tác lời đã góp phần làm đa dạng, sâu sắc, thú vị loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian này.
Dẫu qua bao biến đổi thăng trầm của thời gian và lịch sử xã hội, dân ca ví, giặm vẫn được Nhân dân lưu truyền và ngày càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt. Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó đến nay, cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngành VH-TT&DL, đặc biệt là các thế hệ văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân đã chung tay góp sức gìn giữ, phát huy giá trị di sản quý giá này. Hệ thống CLB phát triển mạnh mẽ ở các địa phương Hà Tĩnh. Trong đó, Thạch Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh có 100% xã, thị trấn thành lập CLB dân ca ví, giặm; Can Lộc 77%; Cẩm Xuyên 70%… Mục tiêu của ngành VH-TT&DL là đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh có CLB dân ca, trong đó chủ yếu là ví, giặm.
Đội ngũ nghệ nhân ở Hà Tĩnh rất say mê, tâm huyết gìn giữ “báu vật” của cha ông. Họ có mặt ở khắp mọi miền để sưu tầm, sáng tác, phục dựng không gian diễn xướng như các nghệ nhân nhân dân: Nguyễn Ban (Nghi Xuân), Trần Khánh Cẩm (huyện Kỳ Anh), Vũ Thị Thanh Minh (Cẩm Xuyên); các nghệ nhân ưu tú: Trần Văn Hoàng (Đức Thọ), Trần Minh Chính (Thạch Hà), Hoàng Bá Ngọc, Nguyễn Tiến Khởi (Hương Khê), Nguyễn Thị Hà (Can Lộc), Đặng Thị Minh Nguyệt (TP Hà Tĩnh), Nghệ nhân Dân gian Lê Quyết Diễn (TX Kỳ Anh) cùng đông đảo các nghệ nhân, diễn viên hoạt động trong các CLB.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Bá Ngọc chia sẻ: “14 HCV và nhiều bằng khen tại các hội diễn, liên hoan là sự ghi nhận, động viên lớn đối với tôi. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là vốn quý cha ông đã để lại cho con cháu, vì vậy, tôi còn phải tiếp tục viết, tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ”.
Bên cạnh đội ngũ đông đảo các nghệ nhân, diễn viên nghiệp dư, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, trung tâm VH-TT các địa phương, các cơ quan truyền thông, ngành GD&ĐT cũng đã góp phần không nhỏ làm giàu thêm “kho báu” của nhân loại…
Ngoài sự đóng góp kể trên, những chính sách bảo tồn di sản cũng đã giúp phong trào giữ gìn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm gặp nhiều thuận lợi hơn. Trong đó, Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc: “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo” đã tạo “cú hích” lớn cho phong trào. Nghị quyết đã ghi rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho việc bảo tồn như: hỗ trợ kinh phí ra mắt 30 triệu đồng và duy trì hoạt động 5 triệu đồng/năm cho các CLB dân ca ví, giặm. Ngoài ra, từ năm 2019, nghệ nhân ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều được phong tặng là Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ lần lượt 1-1,5 triệu đồng/tháng.
Cùng chính sách chung của tỉnh, để “nuôi dưỡng” các CLB và “hâm nóng” bầu nhiệt huyết của các nghệ nhân, các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn còn có chính sách riêng hỗ trợ các CLB và nghệ nhân. Hằng năm, ngân sách huyện đều dành chi cho các liên hoan, tập huấn về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, trường học, dòng họ… đầu tư kinh phí dàn dựng và biểu diễn các tiết mục ví, giặm. Nhờ đó, ví, giặm được “sân khấu hóa” nhằm tuyên truyền tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Câu ví, giặm theo chân nghệ nhân đi đến mọi miền đất nước và ra nước ngoài, thành cầu nối văn hóa hiệu quả.
NỘI DUNG: MINH HUỆ
ẢNH: PV - CTV
THIẾT KẾ: HUY TÙNG