Ngày 5/6, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh do Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền làm trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2008 - 2023 của huyện Cẩm Xuyên.
Trong 15 năm (2008 – 2023), toàn huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng 3.372 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực; trong đó 1.205 mô hình phát triển kinh tế, 1.427 mô hình văn hóa – xã hội, 425 mô hình về an ninh – quốc phòng và 315 mô hình xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện Cẩm Xuyên được nâng lên. Nhiều mô hình có sức lan tỏa rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện. Đến năm 2023, toàn huyện thu ngân sách đạt trên 400 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,8%, nhiều chương trình dự án lớn được khởi công xây dựng.
Phát huy sáng kiến trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở các lĩnh vực, địa phương đã nhân rộng và lan tỏa nhiều mô hình điển hình như: sản xuất lúa, cá hữu cơ ở xã Cẩm Bình; phân loại, xử lý rác thải ở xã Cẩm Vịnh; ống tiền tiết kiệm của hội LHPN các cấp; tổ bát cháo tự tâm của thị trấn Cẩm Xuyên; ngân hàng máu sống cứu người của Huyện đoàn Cẩm Xuyên...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những hạn chế trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Một số đại biểu đề xuất, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện cần đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ phụ trách về công tác “Dân vận khéo”; quan tâm hơn nữa công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến...
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền đánh giá cao các mô hình dân vận khéo mà địa phương đã xây dựng được trong thời qua. Cẩm Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" của Hà Tĩnh. Thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị; huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia "Dân vận khéo".
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đề nghị huyện khảo sát lại các mô hình, lựa chọn những mô hình có hàm lượng "Dân vận khéo" cao để nhân rộng, lan tỏa; tăng cường tiếp xúc đối thoại và giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở; quan tâm công tác dân vận chính quyền; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với mô hình "Dân vận khéo"; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tham gia hội thi "Dân vận khéo" trong thời gian tới.
Chiều 5/6, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh do Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam làm trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2008 - 2023 của TP Hà Tĩnh.
Giai đoạn 2008-2023, TP Hà Tĩnh đã xây dựng được 794 mô hình trên các lĩnh vực; trong đó, 263 mô hình kinh tế, 420 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội; 62 mô hình an ninh quốc phòng, 49 mô hình xây dựng hệ thống chính trị.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo ra khí thế mới, sức lan tỏa rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP Hà Tĩnh.
Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt đô thị loại II; 10/10 phường đạt văn minh đô thị; 3 phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu; 4/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; 34 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được cải thiện, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,86%; thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/người/năm.
Qua thực tiễn, các địa phương đã nhân rộng và lan tỏa nhiều mô hình điển hình như: mô hình trồng sen sinh thái, nuôi trai lấy ngọc ở xã Đồng Môn; mô hình tập trung ruộng đất kết hợp sản xuất lúa, nuôi tôm, cá; tổ liên gia an toàn tự quản về an ninh trật tự; xứ đạo an toàn đoàn kết văn hóa ở xã Thạch Hạ; toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ngôi nhà xanh tiết kiệm sinh thái của Hội LHPN...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những hạn chế trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại cơ sở. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để phong trào tiếp tục đi vào chiều sâu như: quan tâm hơn nữa công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; xác định nội dung trọng tâm của phong trào phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng; đổi mới công tác tuyên truyền...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam đánh giá cao các mô hình dân vận khéo tại TP Hà Tĩnh và đề nghị TP Hà Tĩnh thường xuyên nâng cao nhận thức về công tác dân vận, đặc biệt là phong trào “Dân vận khéo” để tiếp tục đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến thực chất.
Tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời; khảo sát, lựa chọn và có giải pháp để nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với mô hình "Dân vận khéo"; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tham gia hội thi "Dân vận khéo".