“Đau đầu” xử lý những cánh diều vô chủ uy hiếp lưới điện ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tình trạng người dân thả diều gây ra sự cố lưới điện xảy ra ở hầu hết các địa phương ở Hà Tĩnh. Dù đã có chế tài xử phạt nhưng số trường hợp vi phạm bị xử lý chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

“Đau đầu” xử lý những cánh diều vô chủ uy hiếp lưới điện ở Hà Tĩnh

Con diều gây ra sự cố trên hệ thống lưới điện ở xã Sơn Trung (Hương Sơn - Hà Tĩnh), ảnh hưởng đến hàng nghìn khách hàng...

Cuối tháng 5 vừa qua, Điện lực Hương Sơn (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) nhận được thông báo sự cố mất điện xảy ra trên đường dây 971 trung gian Hương Sơn 2. Đây là tuyến đường dây có 20 trạm biến áp (TBA), cung cấp điện cho 2.196 khách hàng, trong đó có những khu vực quan trọng như: Huyện ủy Hương Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện, trang trại bò sữa…

Quá trình kiểm tra, nhân viên điện lực phát hiện, tại nhánh rẽ TBA Sơn Trung 3 và 4 có một con diều sáo lớn với chiều dài cánh gần 3m đang treo lơ lửng trên đường dây. Điện lực đã huy động xe gàu cùng nhiều nhân viên tích cực sửa chữa nhưng cũng phải mất 2 giờ mới khắc phục xong.

Cách đó không lâu, Điện lực Hương Sơn cũng gặp phải sự cố tương tự bởi thú vui thả diều của người dân gây ra.

“Đau đầu” xử lý những cánh diều vô chủ uy hiếp lưới điện ở Hà Tĩnh

... công nhân ngành điện Hương Sơn phải mất nhiều thời gian xử lý sự cố.

Giám đốc Điện lực Hương Sơn Nguyễn Trí Dũng cho biết: Trong những năm qua, nhất là vào mùa hè, trên địa bàn xảy ra hàng chục sự cố chập điện, mất điện do người thả diều gây ra. Nguyên nhân là diều hoặc dây diều vướng, cuốn chặt vào hệ thống dây truyền tải, từ đường trung thế xuống hạ thế.

Chỉ tính riêng tháng 5 và tháng 6 năm 2019, đã có 22 vụ mất điện liên quan tới việc thả diều. Những địa bàn thường xảy ra tình trạng này là Sơn Trung, Sơn Bằng, Sơn Phúc, Kim Hoa, Sơn Ninh, Sơn Hàm…

“Đau đầu” xử lý những cánh diều vô chủ uy hiếp lưới điện ở Hà Tĩnh

Một “cánh diều vô chủ” treo lơ lửng trên đường dây điện ở Kỳ Anh.

Không chỉ ở huyện Hương Sơn mà tình trạng người dân thả diều gây ra sự cố lưới điện còn xảy ra ở hầu hết các địa phương của Hà Tĩnh như: Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh…

Giám đốc Điện lực Kỳ Anh Đặng Đôn Sơn thông tin: Vừa qua, có 2 sự cố mất điện do tình trạng thả diều xảy ra trên các đường dây 373E18.3 và 378E18.3 làm gián đoạn việc cấp điện cho 32.000 khách hàng.

Mỗi đơn vị điện lực ở Hà Tĩnh đều được trang bị một xe gàu chuyên dùng cho xử lý các sự cố nhưng với các trường hợp do diều gây ra lại không hề dễ dàng, bởi khu vực thả diều thường giữa cánh đồng nên việc di chuyển phương tiện là bất khả kháng. Với những trường hợp này, công nhân ngành điện phải rất vất vả leo lên cao, dùng sào chuyên dụng gỡ bỏ các cánh diều, mất nhiều thời gian.

“Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành điện và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, khi cánh diều mắc vào đường điện, người dân tự ý leo lên để gỡ cũng tiềm ẩn những tai nạn đáng tiếc” - ông Đặng Đôn Sơn cho biết.

“Đau đầu” xử lý những cánh diều vô chủ uy hiếp lưới điện ở Hà Tĩnh

Ngành điện Hà Tĩnh “đau đầu” xử lý tình trạng người dân thả diều gây sự cố lưới điện.

Để hạn chế tình trạng này, các đơn vị điện lực Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không được thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.

Theo Giám đốc Điện lực Hương Sơn Nguyễn Trí Dũng, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thả diều hoặc dùng bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện, bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế số trường hợp bị xử lý rất ít, thậm chí là không có.

Nguyên nhân là do việc truy tìm chủ nhân con diều gây ra sự cố để xử lý hậu quả gặp khó khăn bởi không ai chịu nhận là diều của mình. Thêm vào đó, người thả diều phần lớn là học sinh nên chưa ý thức được hành vi vi phạm. Vì thế, các sự cố lưới điện do tình trạng thả diều vẫn tái diễn “năm này qua năm khác”.

Thả diều là hoạt động văn hóa - giải trí của người dân từ xưa tới nay. Song, để thả diều thật sự là thú chơi tao nhã, lành mạnh, không ảnh hưởng đến an toàn lưới điện thì những người chơi diều cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Chính quyền các địa phương, đoàn thể, thôn xóm, nhất là những nơi có người hay chơi diều cần chung tay vào cuộc trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn lưới điện; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.