Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua dư luận quan tâm nhiều đến tính hiệu quả của cầu treo dân sinh Khe Tây bắc qua Khe Trươi, xã Sơn Thọ - Vũ Quang (Hà Tĩnh). Để làm rõ thêm về vấn đề này, PV Báo Hà Tĩnh đã có chuyến thị sát, tiếp xúc với người trong cuộc và hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khách quan nhất.

Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân! ảnh 1
Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân! ảnh 2
Cầu treo Khe Tây phục vụ nhu cầu đi lại cho 26 hộ dân ở khu dân cư Khe Bùn - Eo Nâm xóm 6, xã Sơn Thọ

Cầu treo Khe Tây là một trong 4 cầu trên địa bàn Hà Tĩnh nằm trong Đề án xây dựng 128 cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Chính phủ. Quá trình tổ chức thực hiện, từ việc khảo sát đến lập dự án, đầu tư… đều được ngành chức năng và các cấp chính quyền tiến hành một cách kỹ lưỡng, đúng quy định.

Đến nay, cả 4 công trình đã đưa vào sử dụng. Tuy vậy, do đoạn đường nối từ cầu Khe Tây đến khu vực dân sinh chưa được thi công (mặc dù đã có quy hoạch từ năm 2011, các bước chuẩn bị đầu tư đã cơ bản hoàn tất), nên trước mắt cây cầu này chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Đây chính là vấn đề làm dư luận băn khoăn.

Theo hồ sơ khảo sát thiết kế của chủ đầu tư và ý kiến của cán bộ địa phương, cầu treo Khe Tây bắc qua suối Khe Trươi - nơi hợp lưu của hai dòng suối Khe Trôi và Khe Tiên, phục vụ dân cư vùng Khe Bùn - Eo Nâm, gồm 26 hộ ở thôn 6, xã Sơn Thọ nằm phía hữu ngạn suối Khe Trươi. Từ trước đến nay, 26 hộ dân này muốn giao thương với bên ngoài, về mùa khô phải đi qua tràn Khe Tiên, sang phía tả ngạn lên cầu Gãy, còn về mùa mưa lũ, tràn trở thành khe suối nước chảy xiết không thể qua lại và hoàn toàn chịu cô lập với bên ngoài.

Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân! ảnh 3

Về mùa mưa lũ, cống bắc qua Khe Tiên thường xuyên bị cuốn trôi khiến 26 hộ dân trong khu vực Khe Bùn - Eo Nâm bị cô lập hoàn toàn.

Quá trình thị sát tại địa bàn của chúng tôi cho thấy, hiện cầu treo Khe Tây trước mắt phục vụ đi lại thuận lợi cho 5 hộ có vị trí gần cầu (hai hộ cách cầu khoảng 50m và 3 hộ cách cầu khoảng 300m) đã có đường đất với chiều rộng 2m. Từ điểm cuối con đường đất này (dài chừng trên 400m), lần theo vách núi Khe Tây đến khu vực 21 hộ dân còn lại của xóm 6 đang sinh sống, cây bụi phủ lấp, dọc tuyến xuất hiện mốc cắm quy hoạch tuyến đường bằng cọc bê tông lâu ngày đã lên màu meo mốc.

Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thọ, người đi cùng chúng tôi chỉ vào cọc đóng mốc nói: “Lối ta đang đi là tuyến quy hoạch con đường cho 26 hộ dân thôn 6, đã được cắm mốc từ năm 2011. Mặc dù chưa hình thành tuyến đường nhưng nay đã có cầu Khe Tây nên mùa mưa lũ tới đây, khi tràn suối Khe Tiên ngập, nếu chưa làm xong đường, bà con muốn ra ngoài cũng có thể men theo lối này, không còn đường nào khác”.

Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân! ảnh 4
Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân! ảnh 5
Nhiều diện tích trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi sẽ được hưởng lợi từ cầu treo Khe Tây

Ông Dũng cho biết thêm, ngoài việc phục vụ cho 26 hộ dân ở khu vực Khe Bùn - Eo Nâm và 16 hộ có đất sản xuất trong khu vực này, còn có 480ha đất quy hoạch khu kinh tế trang trại tập trung của xã đã được tỉnh phê duyệt và xã đã tiến hành thuê tư vấn vào đo đạc để phân lô chia cho các hộ dân sản xuất. Đến thời điểm này, 14 hộ gia đình có đơn và đề án xin được đấu thầu sản xuất kinh tế trong khu vực này, trong đó có 3 trại chăn nuôi gồm: 1 trại lợn nái, của hộ gia đình anh Sơn; 1 trại chăn nuôi lợn thịt liên kết của hộ ông Chiến và 1 trại bò cùng nhiều khu vực trồng cây ăn quả như cam, chanh…

Đó là chưa kể, trong tương lai sau khi đã có cầu và đường sẽ có nhiều hộ khác vào sinh cơ lập nghiệp.

Tiếp xúc với các hộ sống trong khu vực hưởng lợi, họ đều rất phần khởi, đồng tình cao với chủ trương đầu tư công trình cầu treo Khe Tây. “Gia đình chúng tôi di dân lên đây từ năm 1966 tính đến nay là đã gần 50 năm nhưng cuộc sống thì vẫn cứ đói nghèo túng bấn, mặc dù đất rộng người thưa nhưng do giao thông bị chia cắt nên không thể phát triển kinh tế được, có chăng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Mùa khô thì không sao, nhưng về mùa mưa lũ nước suối Khe Tiên dâng cao và chảy xiết, việc thông thương với bên ngoài là điều không thể. Khổ nỗi, hầu hết các sản phầm nông nghiệp mà các hộ dân sống trong khu vực Khe Bùn - Eo Nâm sản xuất ra như cam, chanh, mía… đều thu hoạch vào mùa mưa (từ tháng 10- 12), gặp phải lũ lụt thì cho chẳng ai lấy nói gì đến bán. Đó là chưa kể việc học hành của con em nhiều khi đành chịu gián đoan…”, ông Trần Văn Thân (nhà cách cầu Khe tây khoảng 300m) chia sẻ.

Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân! ảnh 6
Mặc dù cầu treo Khe Tây đã hoàn thành 2 tháng nhưng do chưa có đường giao thông kết nối nên gia đình ông Nguyễn Văn Thân, một trong 26 hộ dân sống ở khu vực Khe Bùn - Eo Nâm phải vận chuyển vật liệu xây dựng qua Khe Tiên

Còn ông Nguyễn Viết Hoài – người sống trong khu vực chưa có đường từ cầu vào cho biết: “Cầu treo Khe Tây được đầu tư xây dựng người dân chúng tôi rất mừng. Trước đây cứ đến mùa mưa lũ là các hộ dân sống trong khu vực này phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho sinh hoạt trong cả tuần, thậm chí nửa tháng, nhưng nỗi lo lớn nhất là các cháu phải nghỉ học. Giờ thì yên tâm rồi, mong sao con đường dẫn từ đây ra cầu Khe Tây nhanh chóng được hoàn thành”.

Một tin mừng đến với các hộ dân nơi đây, đó là theo một cán bộ phòng kinh tế hạ tầng huyện Vũ Quang, tuyến đường nối khu dân cư Khe Bùn - Eo Nâm (được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ 2409 ngày 24/6/2015, có tổng mức đầu tư 6,1 tỷ đồng) với chiều dài 717m, rộng 3,5m bằng bê tông sẽ được huyện Vũ Quang cho triển khai trong nay mai.

Dự án cầu treo Khe Tây: Không có chuyện xây cầu chỉ phục vụ 2 hộ dân! ảnh 7
Để đến được cầu Gãy nhiều hộ dân phải men theo đường mòn hết sức vất vả. Các hộ sống trong khu vực này mong muốn Nhà nước sớm xây dựng đường giao thông kết nối với cầu treo Khe Tây để thuận lợi hơn trong đi lại

Như vậy, việc đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây phục vụ dân sinh là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí của Đề án 128 của Chính phủ. Tuy nhiên, điều cốt lõi khiến dư luận băn khoăn là do cầu đã hoàn công khá lâu nhưng đường giao thông kết nối với cầu thì chưa được triển khai xây dựng. Vấn đề này hy vọng sớm được khắc phục để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đúng với mục đích ý nghĩa của đề án.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast