Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Đường dài, ai theo?

(Baohatinh.vn) - Những chuyên gia tiếng Anh mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng: Cái khó nhất mà cũng là mục tiêu cuối cùng của người học ngoại ngữ là biến kiến thức thành năng lực sử dụng nó trong cuộc sống cũng như công việc. Tuy nhiên, để đi đến cái đích đó là cả một hành trình dài mà phần lớn người học chưa xác định đúng và chưa kiên trì theo đuổi.

Phương pháp mới - cần thêm thời gian

Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh có 18 trung tâm tiếng Anh hoạt động (chủ yếu tập trung ở các thành phố, thị xã, thị trấn) với tổng số học viên thường xuyên khoảng 2.000 người. “Cơ sở vật chất được đầu tư khá tốt, đội ngũ giáo viên (GV) được lựa chọn khắt khe, phương pháp dạy học chú trọng phát triển kỹ năng, các trung tâm tiếng Anh đã thổi luồng gió mới, hỗ trợ tích cực cho việc dạy học tại các nhà trường. Tuy nhiên, số lượng học sinh (HS) tiếp cận được cách học mới này còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các vùng trung tâm” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Trường cho biết.

Các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã bắt đầu cho trẻ làm quen với môn Tiếng Anh.

Bên cạnh đó, phương pháp dạy - học theo hướng tiếp cận hiện đại không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình của HS, phụ huynh. Hơn 4 năm hoạt động trên địa bàn với mạng lưới rộng (3 cơ sở dạy ở TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) và số lượng học viên đông nhất hiện nay (khoảng 800 học viên/khóa), Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Newspace cũng đã có nhiều thời điểm đau đầu với việc đấu tranh về quan điểm phương pháp dạy học. Có không ít HS sau một thời gian đầu gắn bó với trung tâm đã chọn địa chỉ khác bởi việc học theo hướng chú trọng phát triển kỹ năng không hỗ trợ sát sao cho các em giải quyết các bài thi ở trường.

Chị Nguyễn Thị Liên (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Con tôi học ở các trung tâm tiếng Anh được một thời gian và cháu tỏ ra khá thích thú. Tuy nhiên, chương trình dạy không dành thời gian luyện các dạng bài tập nên cháu đã nghỉ học ở trung tâm, theo học tại nhà một cô giáo trong trường”.

“Cái khó của chúng tôi đó là HS và phụ huynh đều muốn nhìn thấy kết quả chỉ sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh là một hành trình dài, mà bước đi đầu tiên là giúp các em nghe, nói một cách tự nhiên, tiếp đó mới dần tích lũy, nâng cao kiến thức” - GV phụ trách một trung tâm tiếng Anh ở TP Hà Tĩnh chia sẻ.

Ở địa bàn huyện miền núi, Trung tâm New Star đóng ở thị trấn Hương Khê cũng đang được phụ huynh, HS đón nhận bởi phương pháp dạy học hiện đại, chú trọng nâng cao khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, theo cô Lê Thị Tâm - GV phụ trách trung tâm thì, tư duy học nặng về ngữ pháp, học để thi đã ăn sâu trong số đông người học. Muốn điều chỉnh góc nhìn của họ theo hướng học các kỹ năng để có thể giao tiếp bằng tiếng Anh phục vụ công việc và cuộc sống thì cần phải có thời gian, không thể vội vàng.

Xu thế mới - các trường khó bắt nhịp

Đưa GV bản ngữ vào dạy ở các trường để số đông HS làm quen, bắt nhịp cách học tiếng Anh mới đã được khá nhiều trường học ở TP Hà Tĩnh ấp ủ những năm gần đây. Tuy nhiên, theo cô Phan Thị Hằng - chuyên viên tiếng Anh - Phòng GD&ĐT thành phố, lúc đầu, các trường gặp khó bởi các thủ tục pháp lý đưa người nước ngoài vào dạy học trên địa bàn khá chặt chẽ. Sau đó, thông tư về cấm thu tiền học buổi 2 ra đời khiến các trường lúng túng trong việc huy động nguồn xã hội hóa để trả lương cho GV bản ngữ.

Phương pháp dạy theo hướng phát triển kỹ năng tạo hứng thú cho học sinh

Cô Tống Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà chia sẻ: “Nguyện vọng của phụ huynh đều rất mong muốn có GV bản ngữ tham gia dạy tiếng Anh ở cả 5 khối lớp. Nhất là ở khối 1 và 2, dù chưa có chương trình học nhưng lại rất cần tiếp xúc tự nhiên với môn Tiếng Anh để các cháu làm quen, tự tin với tiếng Anh ngay từ đầu. Tuy nhiên, qua nhiều năm ấp ủ, trường vẫn chưa thực hiện được dự định này”.

Từng bước thúc đẩy việc dạy một số môn học bằng tiếng Anh, “Đề án nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông Hà Tĩnh” đưa ra mục tiêu đến năm 2016 sẽ “dạy song ngữ Anh - Việt ở một số môn học khoa học tự nhiên ở Trường Chuyên tỉnh”. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được do nền tảng kiến thức tiếng Anh của các GV khoa học tự nhiên còn thấp.

“Trình độ tiếng Anh của GV còn bất cập là thực trạng chung khiến cho việc triển khai dạy một số môn học bằng tiếng Anh ở các trường chuyên trong cả nước khó thực hiện. Hiện Trường Chuyên tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho GV tham gia các lớp học nâng cao năng lực tiếng Anh. Mục tiêu đề ra ở trên trong vài năm tới chưa thể thực hiện mà phấn đấu khoảng năm 2020 sẽ bắt đầu dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở một số chương, bài” - Phó Hiệu trưởng Trường Chuyên tỉnh Nguyễn Thị Mỹ Bình cho biết.

Trong xu hướng đổi mới việc dạy - học tiếng Anh, phần lớn các trường học ở cả 3 bậc học đều đã thành lập các CLB tiếng Anh với mục tiêu tạo sân chơi để các em mạnh dạn tham gia, rèn luyện và nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, “phần lớn CLB đang hoạt động mang tính trình diễn, sinh hoạt chưa thường xuyên, chưa thu hút số đông HS. Các em vẫn ngại nói, ngại tham gia các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh” - chủ nhiệm môn Tiếng Anh ở một trường học tại Cẩm Xuyên cho biết.

Để thúc đẩy đổi mới trong đánh giá HS theo hướng chú trọng tới các kỹ năng, ngành GD&ĐT đã có hướng dẫn, tập huấn phương pháp ra đề thi mới, tuy nhiên, trên thực tế, cách làm này không dễ áp dụng một cách đại trà ở các trường học. Năng lực, kỹ năng của GV còn hạn chế, các trang thiết bị phục vụ nghe, nói chưa đồng bộ là những hạn chế khiến cho việc đổi mới phương pháp đánh giá chưa được thực hiện mạnh mẽ tại từng trường học.

Hơn nữa, theo chia sẻ của nhiều GV tiếng Anh, “trong khi ngành GD&ĐT khuyến khích cách ra đề theo hướng phát triển kỹ năng thì tại kỳ thi THPT quốc gia, đề thi hoàn toàn là câu hỏi trắc nghiệm, nặng về kiến thức. Chỉ có 1 kỹ năng được kiểm tra trong bài thi là đọc hiểu, còn nghe, nói không thể thực hiện được. Trong khi đó, HS vẫn quan niệm “thi gì, học nấy” nên việc dạy, học rất khó đổi mới”.

(Còn nữa)

  • Dạy - học tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Những điều trăn trở

    Tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng phổ biến nhất thế giới, là cẩm nang không thể thiếu để hội nhập. Bởi vậy, quan điểm của ngành giáo dục đã thể hiện khá rõ: Đổi mới dạy học ngoại ngữ là một khâu quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói