Dạy tiếng Anh hay Trung Quốc phải xuất phát từ quyền lợi dân tộc

Chọn ngoại ngữ nào trước hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học (GS. TSKH) Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, vừa chia sẻ lại gửi bức thư ngỏ đã viết ngày 19/5/2015 gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc cần có quốc sách đối với tiếng Anh.

Việc làm trên diễn ra trong lúc Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc hệ 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các chương trình này được giảng dạy như ngoại ngữ 1. Dự kiến, hoạt động sẽ được tiến hành từ năm 2017.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS. TSKH Trần Văn Nhung để hiểu rõ hơn vì sao ông lại chia sẻ tâm thư ngỏ với mong muốn phát triển việc giảng dạy, học tập tiếng Anh.

day tieng anh hay trung quoc phai xuat phat tu quyen loi dan toc

GS. TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

PV: Thưa GS, vì sao mới đây, GS lại chia sẻ bức thư ngỏ đã viết ngày 19/5/2015gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc cần có quốc sách đối với tiếng Anh?

GS. TSKH Trần Văn Nhung: Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin cho đến nay đã được thực hiện 15 năm và đang phát triển rất nhanh chóng.

Công nghệ thông tin và tiếng Anh là hai công cụ thời đại quan trọng nhất trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế quốc tế của nước ta. So với khu vực và quốc tế, năng lực tiếng Anh của thanh niên, học sinh và sinh viên Việt Nam còn kém. Như vậy, hai công cụ thời đại này của chúng ta chưa thể song hành.

Hiện nay, mọi người đang bàn bạc nhiều về chủ trương học ngoại ngữ ở nước ta, trong đó có tiếng Anh và 5 thứ tiếng khác, nên tôi xin đăng lại bức thư ngỏ tâm huyết mà tôi đã gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015).

Tôi đã cố ý chọn ngày sinh của Bác Hồ để gửi thư, nhằm thể hiện nguyện vọng thiêng liêng của mình. Bằng bức thư từ 16 tháng trước, tôi muốn góp thêm ý kiến nhỏ của mình cho việc giảng dạy, học tập ngoại ngữ ở nước ta với mong muốn các cơ quan có sự chỉ đạo để phát triển tiếng Anh trong trường học một cách nhanh chóng, sử dụng ngôn ngữ này hiệu quả hơn.

PV:GS có đồng ý với việc dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc ở cấp Tiểu học không và ý kiến của ông như thế nào khi học sinh phải học 2 ngoại ngữ (một ngoại ngữ bắt buộc và 1 ngoại ngữ tự chọn)?

GS.TSKH Trần Văn Nhung: Tôi tin rằng Đảng, Nhà nước và Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ phân tích, cân nhắc thật khoa học và thực tiễn, tìm sự đồng thuận của xã hội để quyết định chính sách dạy và học tiếng Anh và các ngoại ngữ khác ở nước ta. Tôi rất chia sẻ và hiểu những cố gắng đổi mới việc giảng dạy, học tập ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT sao cho phù hợp hơn trong thời đại toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, Bộ và các chuyên gia cần tính toán rất cẩn thận, lắng nghe ý kiến từ giáo viên, phụ huynh, học sinh và người dân khi xây dựng chiến lược ngoại ngữ và khi triển khai thực hiện. Những kinh nghiệm quốc gia và quốc tế chắc chắn sẽ được chọn lọc và áp dụng.

Tôi cho rằng, một mặt chúng ta yêu cầu học sinh phải học đồng đều (nhất có thể được) các môn, mặt khác cũng yêu cầu các em phải chú ý ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh, như là các môn bắt buộc đứng đầu. Môn Toán giúp học sinh rèn luyện tư duy logic và hệ thống. Văn học là nhân học, giúp chúng ta cảm thụ được cái đẹp, học ăn, học nói và học làm người. Môn tiếng Anh là công cụ thời đại để hội nhập quốc tế.

Theo kinh nghiệm ở nhiều nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, tôi cho rằng, ở cấp Tiểu học, chúng ta chỉ nên cho học sinh học tiếng Anh. Còn các thứ tiếng khác tùy theo nhu cầu và sự lựa chọn thiết thực trong cuộc sống của học sinh và phụ huynh để đưa vào nhà trường. Bộ GD-ĐT cũng nên tôn trọng nguyện vọng học sinh ở các vùng miền khác nhau.

Việc giảng dạy và học tập tiếng Anh cần phải tiếp tục và nâng cao khi lên THCS, THPT, ĐH và sau ĐH. Các địa phương có điều kiện thuận lợi thì có thể giảng dạy nhanh hơn, cao hơn. Chúng ta cũng cần sớm giảng dạy các môn khoa học trực tiếp bằng tiếng Anh theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, để việc học tiếng Anh không chỉ như ngoại ngữ thứ nhất mà còn như ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) luôn tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Vấn đề là ở chỗ ngày nay những công dân toàn cầu phải sử dụng tối ưu thời gian sống và làm việc của họ, nói riêng là cần phải học và sử dụng những ngoại ngữ nào.

Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, ngôn ngữ nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất, hay ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt. Theo tôi đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác.

Nhiều nước trên thế giới đã coi tiếng Anh như “tiếng mẹ đẻ”. Ví dụ như nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu ngay từ đầu đã xác định rằng, đất nước họ không có một nguồn tài nguyên nào hết, tất cả phải nhờ cái đầu, đi lên bằng cái đầu, bằng nguồn nhân lực và tài năng.

Singapore có ba nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Cả ba vẫn duy trì tiếng nói, văn hoá và bản sắc của mình, nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh.

Trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng người gốc Hoa ở Singapore khi quyết định dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong các trường học, ông Lý Quang Diệu nói: "Muốn chống lại thì hãy bước qua xác tôi".

Trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn (copy) sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho trường học của mình, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.

Singapore đã coi tiếng Anh là chìa khóa để cạnh tranh và tránh tụt hậu. Lý Quang Diệu đã tổng kết bài học của Singapore: Chỉ có một cách để không bị tụt hậu là phải giỏi tiếng Anh.

Ngoài Singapore, cách đây ít năm, sau 22 năm làm Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu mọi người Mã Lai hãy trở lại với tiếng Anh và cá nhân ông gương mẫu học trước.

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc

PV: Chúng ta đã giảng dạy duy nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh trong nhà trường gần 30 năm qua, với sự đầu tư, quan tâm rất lớn của Nhà nước và xã hội nhưng cuối cùng kết quả là kỳ thi THPT năm 2015 có khoảng 90% học sinh trượt môn tiếng Anh (trung bình 3,3 điểm, theo phổ điểm của Bộ GD-ĐT) và năm 2016 cũng số lượng tương tự như vậy. Nếu bây giờ, chúng ta ưu tiên phát triển tiếng Anh như một số nước trong khu vực đã thực hiện thì phải cần yếu tố nào, thưa GS?

GS.TSKH Trần Văn Nhung: Tôi muốn được nhắc lại một công thức quan trọng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay là người có tiếng Anh + Công nghệ thông tin + Bộ óc tốt sẽ làm được mọi việc. Con người có Bộ óc tốt không chỉ là có tri thức tốt mà còn biết cách cư xử, có tình cảm, văn hóa giao tiếp, văn hóa hội nhập quốc tế (theo nghĩa rộng).

Trong gần 30 năm qua, chúng ta đã có sự đầu tư lớn cho việc học một ngoại ngữ là tiếng Anh. Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 cũng đầu tư cho việc dạy và học tiếng Anh ở các cấp học. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của thanh niên, học sinh và sinh viên Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều. Vậy đâu là lý do của thực trạng này?

Chắc chắn không phải vì trí thông minh và tinh thần chịu khó học hỏi của người Việt Nam. Khi thực hiện Chỉ thị 58-CT-TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, người Việt Nam đã làm quen, học tập, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin khá nhanh so với thế giới.

Tôi cho rằng, để việc học tập, giảng dạy và sử dụng tiếng Anh ở nước ta có hiệu quả như công nghệ thông tin thì cần có sự chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để ủng hộ cho Bộ GD-ĐT triển khai.

Việc xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành, là vấn đề khó nhất. Bằng nỗ lực của bản thân và hỗ trợ quốc tế, chúng ta sẽ từng bước xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Thầy vừa dạy vừa học thêm. Chủ trương của Bộ GD-ĐT chủ yếu sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế là hợp lý.

PV: Xin cảm ơn GS!

Theo VOV

Đọc thêm

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức. Nỗ lực của thầy và trò đã đơm hoa, kết trái bằng những thành tích ấn tượng trên mỗi sân chơi kiến thức.