Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ góp ý vào dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo đại biểu, dự thảo Luật có các quy định liên quan đến nhiều luật đã ban hành như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng liên quan đến Luật Tổ chức tín dụng, tài sản đảm bảo liên quan đến Bộ luật Dân sự, bố trí ngân sách hỗ trợ liên quan đến Luật NSNN, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (điều 11), miễn giảm tiền thuê đất liên quan đến Luật Đất đai (điều 12), hỗ trợ tham gia mua sắm công (điều 15) liên quan đến Luật Đấu thầu, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường liên quan đến Luật Thương mại, đầu tư kinh doanh khu làm việc chung, cơ sở ươm tạo liên quan đến Luật Đầu tư. Vì vậy, việc ban hành dự thảo này chưa quá cấp bách, có thể thêm một số hướng dẫn để hỗ trợ cho DNVVN, song, nếu việc ban hành luật để tăng thêm hiệu lực thực thi thì việc ban hành luật cũng có thể là cần thiết.
Góp ý cụ thể, đại biểu nêu về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại, hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại các quỹ, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ, ưu đãi tiền thuê đất, mặt bằng, hỗ trợ tham gia mua sắm công… Việc quy định các chính sách là cần thiết, tuy nhiên đề nghị cân nhắc việc cân đối các nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ đó, đặc biệt là các nguồn lực tài chính để đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Nhấn mạnh nội dung này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đưa ra phép tính: cả nước hiện có 520.000 DNNVV x 9 nội dung hỗ trợ/DN = 4.680.000 số hỗ trợ. Số hỗ trợ này lại nhân số tiền hỗ trợ thì sẽ là một nguồn tài chính khổng lồ (chưa kể, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 1000.000 và sau đó là 2.000.000 doanh nghiệp).
Nhu cầu cần hỗ trợ là thế, vậy còn nguồn cung thì sao? Chương V, các điều 37, 38 quy định nguồn vốn hỗ trợ DNNVV gồm nguồn NSNN và nguồn vốn huy động của tổ chức và cá nhân, song, liệu trong thực tế tổ chức, cá nhân có tham gia hỗ trợ vốn không và nếu có thì số vốn huy động sẽ là bao nhiêu? Ban soạn thảo dự án Luật có thể dự kiến được không? Cung về hỗ trợ có đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ không?
Thứ nhất, dự thảo Luật cần ưu tiên lựa chọn hỗ trợ nhóm doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như là nhóm liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vừa mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp phát triển đi lên từ hộ sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, nội dung hỗ trợ cũng không nên quá dàn trải mà nên tập trung vào một số nội dung mà doanh nghiệp thực sự cần như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, tài chính, thông tin tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Với mỗi nội dung hỗ trợ cần đi kèm theo cân đối nguồn lực, đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Ở chương 3 - Chương trình hỗ trợ trọng tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa "đề cập đến 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm với đầy đủ mục tiêu, đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ", song có nên đưa chương này vào dự thảo Luật không, bởi nguyên tắc xây dựng Luật là phải mang tính lâu dài, bền vững, có thể điều chỉnh được cho nhiều đối tượng. Trong khi đó, chương này lại quy định cho 3 đối tượng cụ thể, gọi là “chương trình hỗ trợ”, mà chương trình hỗ trợ thì chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó mà thôi. Việc quy định 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm sẽ làm giảm tính linh hoạt của hoạt động hỗ trợ DNNVV. Theo đại biểu, nếu như là chương trình thì nên quy định ở văn bản dưới Luật, ví dụ như nghị định, không nên đưa các chương trình chi tiết vào trong dự thảo Luật.
Các nội dung hỗ trợ tại các điều 23, 26, 31 thực chất đã được nêu ở chương 2 (ví dụ tại điều 26, khoản 1 đã quy định tại điều 8, khoản 3, 4 đã được quy định tại điều 16, 17) chương này lại quy định chi tiết các nội dung trong 10 nội dung hỗ trợ, cùng một nội dung nhưng cách diễn đạt khác.
Tại Điều 7 - Nội dung hỗ trợ cơ bản. Khoản 1, điều 15 trong dự thảo Luật viết chưa rõ ý: “Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và gói thầu mua sắm hang hóa, dịch vụ có giá gói thầu không quá 3 tỷ đồng do các cơ quan, tổ chức có sử dụng NSNN để mua sắm công chỉ dành cho nhà thầu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”. Theo đại biểu, cụm từ "chỉ dành cho" là cứng nhắc, nên chăng thay cụm từ đó bằng cụm từ: “ưu tiên đối với” sẽ mang tính mềm dẻo hơn...