Ban Chỉ đạo quốc gia họp trực tuyến với 63 địa phương. Ảnh VGP/Đình Nam
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo dự thảo các nội dung Chỉ thị thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ngoài các biện pháp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc, dự thảo còn đề ra các biện pháp áp dụng cho từng nhóm nguy cơ.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Đối với nhóm nguy cơ cao, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa đi ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc; cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, hạn chế giao thông liên tỉnh, sắp xếp giao thông nội tỉnh phù hợp; đóng cửa các cơ sở cung ứng các mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu.
Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.
Đối với nhóm có nguy cơ, hạn chế người dân ra ngoài, không tập trung quá 10 người, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển liên tỉnh, khuyến cáo hạn chế vận chuyển hành khách nội tỉnh; hạn chế mở cửa hàng phục vụ các mặt hàng không thiết yếu; hạn chế một số loại hình kinh doanh đường phố, lao động tự do trên đường phố; UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng không thiết yếu và các loại hình kinh doanh đường phố nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Về nhóm nguy cơ thấp, khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết; không tập trung quá 20 người trở lên tại nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; khuyến khích hạn chế các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển hành khách liên tỉnh; khuyến khích không mở các cửa hàng phục vụ các mặt hàng không thiết yếu; các hình thức kinh doanh, lao động tự do được làm việc nhưng phải đảm bảo biện pháp phòng lây nhiễm.
Tham gia ý kiến, các bộ, ngành và địa phương cơ bản đồng tình với báo cáo dự thảo các nội dung Chỉ thị.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Các ý kiến kiến nghị bổ sung một số nội dung như: Chỉ thị cần tiếp tục đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hướng dẫn các địa phương về các tiêu chí để phân nhóm, phân loại nguy cơ ở các huyện, xã; tăng cường vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực biên giới không có các hoạt động giao lưu và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho bà con;
Thực hiện giãn cách 2m đối với tất cả các nhóm nguy cơ; cần có bộ tiêu chí đánh giá an toàn đối với các ngành nghề, trong đó cần tạo điều kiện cho các lao động tự do, cơ sở kinh doanh nhỏ; hướng dẫn chi tiết trong việc tiếp công dân, tổ chức các hoạt động tôn giáo, vui chơi, giải trí…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh nội dung trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng nhận định, dịch bệnh sẽ tiếp tục kéo dài, chỉ đến khi có thuốc đặc trị lúc đó mới có thể hết dịch. Vì vậy, các ngành, địa phương phải tiếp tục chống dịch, phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan nhưng cũng phải ổn định để đảm bảo phát triển.
Đối với kiểm soát dịch bệnh, cần xác định sẽ có các ca nhiễm mới, tuy nhiên, quan trọng nhất là phải kiểm soát không để lây lan ra cộng đồng. Do đó, phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch nhất là ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch.
Để chung sống an toàn với dịch, cần tiếp tục phân chia nhóm nguy cơ đến tận cấp huyện, cấp xã, cấp thôn; các bộ, ngành, địa phương cần có hướng dẫn, quy định chi tiết để đảm bảo an toàn trong khám, chăm sóc sức khỏe, học tập, đi lại, làm việc trong các cơ quan công quyền, các sinh hoạt cộng đồng.
Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục thống nhất hành động, đề cao kỷ luật, kỷ cương, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái để phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để đổi mới trong hoạt động điều hành, quản lý.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đề nghị các đại biểu nắm bắt kỹ lưỡng các nội dung trong dự thảo Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu Sở Y tế - cơ quan Thường trực của BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh trên cơ sở các nội dung trong dự thảo Chỉ thị, xây dựng dự thảo hướng dẫn để khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị sẽ chủ động thực hiện.
Sở Công thương cần sớm nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi các nội dung trong Quy định 2119 về việc tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Hà Tĩnh, sau khi Thủ tướng Chính phủ xếp tỉnh vào 1 trong 12 địa phương có nguy cơ cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công điện điện khẩn về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với những hướng dẫn thực hiện cụ thể. |