Đề xuất chi hơn 1.000 tỷ đồng để thu hút giáo viên mầm non

Ngoài đề xuất dành cho giáo viên, Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất hỗ trợ tiền ăn trưa và học phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều nhóm trẻ được đề xuất hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Trong tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi, Bộ GD&ĐT nêu rằng giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, cụ thể như sau:

Thứ nhất là vẫn còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Thứ hai là các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn hạn chế.

Thứ ba là công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế, dẫn tới gánh nặng vẫn đươc đặt lên các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Từ những vấn đề trên, bộ đề xuất một số ý kiến nhằm xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo, đồng thời đảm bảo trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

Chi hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, giáo viên

Nội dung thứ nhất là Bộ GD&ĐT đã đề xuất chính sách thu hút đối với giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Theo đó, đối tượng hưởng chính sách là giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập được tuyển dụng mới theo quy định của pháp luật từ năm học 2025-2026 để trực tiếp dạy các lớp mẫu giáo 3-5 tuổi, đáp ứng nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Các giáo viên sẽ được hưởng chính sách thu hút tối thiểu một năm tiền lương cơ bản. Lưu ý là giáo viên hưởng chính sách thu hút, ưu đãi phải cam kết công tác tại cơ sở giáo dục mầm non ít nhất 5 năm.

Theo thống kê, tổng số giáo viên mẫu giáo thiếu đến năm 2030 dự kiến là 55.571 giáo viên. Trong đó, các lớp mẫu giáo công lập thiếu khoảng 34.612 người cần tuyển thêm đến năm 2030.

Tổng số giáo viên mẫu giáo dự kiến tuyển dụng giai đoạn từ 2026 đến năm 2030 là 34.612 người.

Như vậy, số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để thu hút giáo viên là: 34.612 chỉ tiêu x 45,36 triệu/người/năm (mức hệ số 2,1 x 1,8 triệu), tương đương 1.177,5 tỷ đồng.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài) - những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phổ cập mẫu giáo - cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ do Bộ GD&ĐT đề xuất.

Nhóm đối tượng này được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng, không quá 9 tháng/năm học. Lưu ý là tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hỗ trợ kinh phí hàng tháng là 378.652 người (trong đó có 32.278 cán bộ quản lý - mỗi trường 2 người, 330.235 giáo viên dạy lớp mẫu giáo (định mức 2.2 giáo viên/lớp) và 16.139 nhân viên (mỗi trường mỗi nhân viên phụ trách).

Theo đó, dự kiến số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để chi trả thêm cho đội ngũ là: 378.652 người x 960.000 đồng/người/tháng (tương đương 53% mức lương cơ sở hiện hành), tương đương 363,5 tỷ/tháng và là 3.271,55 tỷ/năm.

Hỗ trợ 9 tháng tiền ăn cho trẻ mẫu giáo

Theo dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi, Bộ GD&ĐT đề xuất hỗ trợ tiền ăn trưa 360.000 đồng/tháng cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ở vùng khó khăn, hộ nghèo.

Cụ thể, dự thảo đề xuất chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, các đối tượng được hưởng chính sách bao gồm:

Trẻ mẫu giáo trong độ tuổi 3-5, thường trú trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn; xã khu vực III, khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (không bao gồm các xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc vùng khó khăn, xã khu vực I và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Trẻ không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 điều 5 theo nghị định của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và đang học tại cơ sở giáo dục mầm non. Con liệt sĩ, con anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có).

Trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Bộ GD&ĐT đề xuất trẻ thuộc những đối tượng trên được hỗ trợ tiền ăn 360.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 09/8/2020 về chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/tháng. Nếu tăng lên mức 360.000 đồng/tháng, kinh phí tăng thêm sẽ là 103,8 tỷ đồng/tháng cho 518.879 trẻ (theo thống kê đầu năm tại cơ sở dữ liệu ngành giáo dục).

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, dự kiến nước ta sẽ chi 934,2 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ GD&ĐT đưa ra loạt đề xuất hỗ trợ học sinh và cán bộ, giáo viên trường mẫu giáo. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Thêm trẻ được miễn học phí mẫu giáo

Về việc miễn học phí cho trẻ mẫu giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng hưởng chính sách, cụ thể như sau:

Trẻ em mẫu giáo thuộc đối tượng hưởng chính sách tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung, như sau: Trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi thường trú trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn; xã khu vực III, khu vực II thuộc vùng đông bào dân tộc thiểu số và miền núi (không bao gồm các xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền (sau đây gọi chung là vùng khó khăn) đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc vùng khó khăn, xã khu vực I và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2025-2026 (được hưởng từ ngày 1/9/2025). Trẻ em mẫu giáo thuộc đối tượng hưởng chính sách tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ được sửa đối, bố sung, như sau: Trẻ em học mẫu giáo có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông, bà) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê đầu năm tại cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, tổng số trẻ mẫu giáo thuộc đối tượng được miễn học phí năm học 2021-2022 là 339.046 em. Theo đó, số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo là:

+ Kinh phí miễn học phí/tháng: 339.046 x 50.000 = 16,9 tỷ đồng/tháng.

+ Kinh phí tăng thêm/năm học: 16,9 tỷ/tháng x 9 tháng = 152,6 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.

Theo thống kê đầu năm tại cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, tổng số trẻ em mẫu giáo thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập là con công nhân, người lao động làm việc ở các khu công nghiệp là 210.386 trẻ.

Như vậy, số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo là:

+ Kinh phí miễn học phí/tháng: 210.386 x 150.000 = 31,6 tỷ đồng/tháng.

+ Kinh phí tăng thêm/năm học: 31,6 tỷ/tháng x 9 tháng = 284,02 tỷ đồng/năm.

Trên đây mới chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể nghiên cứu, đóng góp ý kiến theo đường link sau.

lifestyle.znews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói