Điểm chuẩn đại học dự kiến tăng 1-3 điểm, ngành "hot" cạnh tranh cao

Từ phân tích cụ thể dữ liệu điểm thi từng môn, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhận định điểm chuẩn xét tuyển đại học theo điểm thi Tốt nghiệp THPT năm nay sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm.

gsts-nguyen-dinh-duc-3507-3197.jpg

Giáo sư Nguyễn Đình Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm ngoái ở tất cả các tổ hợp, và có thể chênh từ 1-3 điểm. Những ngành “hot” sẽ có điểm đầu vào cao. Nếu chỉ tiêu như năm ngoái thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.

Đây là nhận định của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội dựa trên phân tích cụ thể dữ liệu điểm thi của các môn.

- Thưa Giáo sư, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ dữ liệu điểm thi, ông có nhận định gì về điểm thi năm nay?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Qua phổ điểm có thể thấy điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đạt kết quả cao hơn năm ngoái ở tất cả các môn.

Điểm trung bình chung các môn cơ bản ổn định như năm ngoái, không có biến động lớn. Riêng môn văn điểm trung bình năm nay là 8, trong khi năm ngoái là 7. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi, tức từ 8 điểm, riêng môn Ngữ văn tính từ 7 điểm do tính đặc thù, ở hầu hết các môn đều tăng.

Cụ thể, môn Toán, số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 198.390 bài trên tổng 1.045.643 bài, đạt 18,97%, cao hơn gần 4% so với tỷ lệ 15,1% của năm 2023. Năm 2022, tỷ lệ này là 21,8%.

Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên là 687.326 trên tổng số 1.050.132 bài, đạt tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay, tăng gần 18,67% so với tỷ lệ tỷ lệ 45,9% của năm 2023. Năm 2022, tỷ lệ này là 42,28% và năm 2021 là 41,7%.

Môn Vật lý, số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 99.148 bài trên tổng số 345.630 bài, chiếm tỷ lệ 28,68%. Năm 2023 là 21,31% và năm 2022 là 22,74%.

Môn Hóa học, số bài từ 8 điểm trở lên là 93.333 bài trên tổng số 346.530 bài, đạt 26,93%. Tỷ lệ này năm 2023 là 22,6%, năm 2022 là 27,8%. Đặc biệt năm nay môn Hóa được mùa điểm 10, với 1.278 điểm 10, trong khi năm ngoái là 137 bài đạt điểm 10.

Môn Lịch sử tỷ lệ điểm giỏi cũng cao hơn năm ngoái, có 138.533 bài trên tổng 706.299 bài đạt từ điểm 8 trở lên, đạt tỷ lệ 19,6% trong khi năm ngoái, tỷ lệ này là 13%, năm 2022 là 18,1%.

Môn Địa lý, năm nay có đột biến về tỷ lệ điểm giỏi. Số bài đạt điểm 8 trở lên là 218.515 bài trên tổng 704.701 bài, đạt tỷ lệ 31%, trong khi năm ngoái, tỷ lệ này là chỉ là 6,6%, năm 2022 là 16,7%. Đặc biệt, có 3.175 bài thi môn Địa lý đạt 10 điểm, trong khi 2023 chỉ có 35 bài đạt điểm 10.

Môn Giáo dục Công dân môn luôn có tỷ lệ đạt điểm giỏi cao qua nhiều năm. Năm nay, số bài đạt điểm từ 8 trở lên là 384.222 bài trên tổng số 583.619 bài, đạt tỷ lệ 65,83%. Năm ngoái, tỷ lệ này là 61%, năm 2022 là 61,85%.

Tiếng Anh và Sinh học là hai môn có tỷ lệ điểm giỏi giảm nhẹ so với năm ngoái. Số bài đạt điểm 8 trở lên ở môn Tiếng Anh là 131.283 bài trên tổng số 906.549 bài, đạt tỷ lệ 14,48% (năm 2023 là 15,03%; năm 2022 là 1,9%; tỷ lệ tiếng Anh đạt điểm giỏi cao nhất vào năm 2021, đạt 18,3%).

Môn Sinh học, tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên là 34.438 bài trên tổng số 324.388 bài, đạt tỷ lệ 10,06%. Tỷ lệ này năm 2023 là 10,57% và năm 2022 là 4,6%.

- Điều thí sinh quan tâm nhất hiện nay có lẽ là điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học. Từ phân tích điểm thi như trên và kinh nghiệm tuyển sinh, Giáo sư nhận định như thế nào về điểm chuẩn đại học năm nay theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Mặc dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các bài thi riêng để tuyển sinh, nhưng hiện nay tất cả các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi Tốt nghiệp trung học phổ thông như một phương thức quan trọng trong tuyển sinh.

thi-tot-nghiep-ttx-1739-9226.jpg

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. (Ảnh: TTXVN)

Với phổ điểm như trên, có thể thấy năm nay, ở hầu hết các tổ hợp, mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là mức 22-23 điểm.

Tỷ lệ số bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi năm nay đều cao hơn năm ngoái ở tất cả các môn, do đó nếu không có sự biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi Tốt nghiệp trung học phổ thông thì điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm ngoái ở tất cả các tổ hợp, có thể chênh từ 1-3 điểm. Những ngành “hot”, có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm ngoái thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.

- Một trong những mục tiêu hướng đến của kỳ thi là dựa trên kết quả thi để có sự đánh giá trên bình diện rộng và từ đó có sự điều chỉnh chính sách phù hợp. Theo Giáo sư, từ kết quả thi năm nay cho thấy điều gì?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Kết quả thi năm nay phản ánh sự nỗ lực vượt bậc của học sinh, thầy cô và các trường, các sở trong năm học vừa qua.

Tuy nhiên, có thể thấy môn Tiếng Anh vẫn là điểm yếu với đại đa số học sinh Việt Nam. Số bài dưới 5 là 386.861 bài trên tổng 906.549 bài, chiếm tỷ lệ 42,67%, đây là tỷ lệ dưới trung bình rất cao. Năm ngoái tỷ lệ này là 44,85%. Kết quả này cho thấy chúng ta cần phải cải thiện, đổi mới hơn nữa cách dạy và học tiếng Anh ở bậc trung học phổ thông.

Trong khi các môn Văn, Sử , Địa có điểm giỏi cao, và tỷ lệ dưới trung bình của nhóm môn khoa học xã hội như Ngữ văn, Địa rất thấp, chỉ vài %, môn Lịch sử là 13%, thì tỷ lệ dưới trung bình năm nay của môn Toán vẫn là 17,5%, Hóa 15,87%, Lý 16,34% cho thấy cần phải đẩy mạnh việc giáo dục STEM, nâng cao năng lực môn Toán và các môn khoa học tự nhiên trong các trường. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đây là những kiến thức nền tảng cốt lõi cần trang bị tốt cho học sinh trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, có thể phân hóa đề thi cao hơn nữa để không chỉ xét tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn “nhất cử lưỡng tiện”, giúp các trường đại học phân loại tốt hơn nữa thí sinh qua điểm kỳ thi này để xét tuyển vào đại học, nhất là các trường đại học ở tốp trên.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Vietnamplus

Chủ đề Kỳ thi THPT Quốc gia

Đọc thêm

Bài cuối: Thắp sáng ngọn lửa hiếu học và khát vọng cống hiến

Bài cuối: Thắp sáng ngọn lửa hiếu học và khát vọng cống hiến

Quá trình thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài trong giai đoạn mới, Hà Tĩnh đã đúc rút những bài học quý, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả. Từ đó tiếp tục phát huy tâm huyết, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng hưởng nguồn lực của toàn xã hội để thắp sáng ngọn lửa hiếu học, thúc đẩy hành trình chinh phục tri thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu phát triển và hội nhập.
Bài 3: Nâng bước em trên hành trình tìm kiếm tri thức

Bài 3: Nâng bước em trên hành trình tìm kiếm tri thức

Lan tỏa tình yêu thương và trách nhiệm với trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, nhiều mô hình “con nuôi”, “mẹ đỡ đầu” đã và đang được nhân rộng trên toàn địa bàn Hà Tĩnh. Toàn xã hội đã cùng vào cuộc với cách làm tâm huyết, hiệu quả, giúp các em học sinh nghèo ở tất cả các cấp học vững bước trên hành trình vượt khó, tìm tri thức.
Bài 2: Giảng đường rộng mở đón học sinh nghèo hiếu học

Bài 2: Giảng đường rộng mở đón học sinh nghèo hiếu học

Quỹ khuyến học dành riêng cho "học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học" lần đầu tiên được Hà Tĩnh thành lập, vận hành qua 3 năm học, đã và đang tiếp tục khẳng định sức lan tỏa của một chủ trương giàu tính nhân văn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 318 sinh viên được hỗ trợ từ quỹ cấp tỉnh và các địa phương hầu hết đều đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt, trong đó nhiều em đã tốt nghiệp đại học, tự tin bước tới tương lai.
Bài 1: Ươm mầm khát vọng từ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Bài 1: Ươm mầm khát vọng từ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Ra đời từ những năm đầu tái lập tỉnh, hơn 30 năm qua, Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 618 cháu hoàn cảnh đặc biệt. Chính sách, nguồn lực ưu tiên cho trẻ mồ côi; tình yêu thương của những người cha, người mẹ nơi đây; sự đùm bọc, sẻ chia của cả cộng đồng đã giúp các em nhỏ trưởng thành. Những mầm xanh khát vọng đang vươn tới tương lai trên con đường rộng mở.