Hành trình đạt giải nhất "Đại sứ văn hóa đọc" của cô học trò Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Niềm đam mê với sách đã thôi thúc em Phạm Phương Thảo - Trường THCS Lê Văn Thiêm (thành phố Hà Tĩnh) tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2024 và xuất sắc giành giải nhất toàn tỉnh.

Từ nhỏ, cô học trò Phạm Phương Thảo đã say mê những cuốn sách. Em dành nhiều thời gian để đọc sách, tìm hiểu kho tàng tri thức và những bài học từ sách mang lại. Niềm đam mê ấy của Thảo cũng được “tiếp lửa” bởi mẹ là chị Mai Thị Thanh Tâm. Vốn là giáo viên Trường THCS Hàm Nghi (Thạch Hà), chị Tâm hiểu rõ tầm quan trọng của sách đối với việc phát triển tri thức, hiểu biết của con. Vì thế, chị thường mua và sưu tầm những cuốn sách, cuốn truyện hay để đọc cho con nghe. Tình yêu với sách của Phương Thảo cũng được lớn dần từ đó.

z5639794208731_c5e3f3ec445786ddb51cf04a4b18374f.jpg
Từ nhỏ, cô học trò Phạm Phương Thảo đã đam mê đọc sách.

Những trang sách đã giúp Phương Thảo mở rộng vốn hiểu biết và tìm thấy niềm vui, động lực trong cuộc sống. Nữ sinh chia sẻ: “Mỗi trang sách đưa em đến những miền đất mới, cho em gặp gỡ những con người thú vị và trải nghiệm những điều kỳ diệu. Sách còn giúp em hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng lòng nhân ái và bồi đắp ước mơ”.

Tình yêu với sách đã giúp Phương Thảo mạnh dạn tham gia cuộc thi “Lớn lên cùng sách” do nhà trường tổ chức và đạt giải nhất (tháng 4/2024). Từ đó, Phương Thảo được nhà trường động viên tham dự cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2024 do Sở VH-TT&DL tổ chức.

z5639794280258_7171ae63a09a85b99053e8ae05c62252.jpg
Phương Thảo lựa chọn tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" để tham gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" Hà Tĩnh năm 2024.

Tại cuộc thi này, em đã lựa chọn tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài để tham gia. Với video dài hơn 9 phút, Phương Thảo đã kể về câu chuyện trưởng thành của “Dế Mèn”. Qua câu chuyện đó, cô học trò nhỏ mong muốn truyền tải thông điệp: “Mỗi người đều có khả năng thay đổi và phát triển bản thân từ những bài học cuộc sống”.

Để tham gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" toàn tỉnh năm 2024, Phương Thảo dành thời gian gần 1 tháng để hoàn thành bài thi. Từ việc chọn cuốn sách yêu thích nhất đến lên ý tưởng, viết đề cương và chọn bối cảnh quay đều do nữ sinh tự thực hiện. Bố mẹ và thầy cô đã hỗ trợ Phương Thảo trong việc góp ý hoàn thiện và giúp phần quay phim, dựng hình.

Chia sẻ về cảm xúc khi thực hiện bài thi, Phương Thảo cho biết: “Khi bắt đầu lên ý tưởng và xây dựng đề cương dự thi, em luôn trăn trở bản thân phải truyền tải thông điệp, ý nghĩa của cuốn sách ra sao. Đồng thời, em cũng suy nghĩ những cách làm thế nào để các bạn hiểu được tầm quan trọng của sách và phát triển văn hóa đọc”.

Trong bài thi của mình, Phương Thảo đã nêu lên những trăn trở của bản thân trong việc lan tỏa văn hóa đọc, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Từ trăn trở đó, nữ sinh đã đề xuất nhiều ý tưởng như: xây dựng giá sách, tủ sách dùng chung ngay tại mỗi lớp học, thành lập câu lạc bộ sách, quan tâm tới việc đọc sách của những học sinh khuyết tật… Đồng thời, Phương Thảo cũng đặt ra mục tiêu những cho bản thân như: đọc sách như thế nào, đọc bao nhiêu sách mỗi năm, viết ra cảm nghĩ sau đọc xong một cuốn sách…

z5639794255607_221eccf71013c346c3f375ba907bab5c.jpg
Phương Thảo dành nhiều thời gian ở thư viện để tìm đọc những cuốn sách hay.

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” Hà Tĩnh được phát động từ ngày 12/4/2024 và đã nhận được 129.093 bài dự thi của 129.093 học sinh, trong đó có 129.004 bài viết và 89 video. Vượt qua 88 video dự thi khác, Phương Thảo đã xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi. Bài thi của em cũng đã được lựa chọn tham dự cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" toàn quốc trong thời gian tới. Thành tích này là minh chứng cho sự nỗ lực và tâm huyết của cô học trò nhỏ. Thông qua cuộc thi, nữ sinh hy vọng sẽ có thêm cơ hội để lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Không chỉ đam mê đọc sách, Phương Thảo còn là một học sinh gương mẫu, tự tin, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đội của nhà trường. Nhiều năm liền, em là học sinh giỏi, xuất sắc của nhà trường và đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi các cấp, được bạn bè, thầy cô quý mến. Nữ sinh cũng là thành viên tích cực, nổi bật của câu lạc bộ “Sách dệt ước mơ”. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, Phương Thảo đã lan tỏa tình yêu và tinh thần đọc sách tới các bạn học sinh khác.

z5639797496424_2eb5947acb9702d4a2dcc2c02ab5cb1d.jpg
Sự động viên, hỗ trợ của giáo viên là động lực để Phương Thảo hoàn thành tốt bài thi của mình.

Cô giáo Lê Thị Mỹ Tân - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A5 cho biết: “Tôi là giáo viên hướng dẫn Phương Thảo từ những ngày đầu chuẩn bị tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Trong quá trình viết ý tưởng, quay dựng video, cô học trò luôn giữ thái độ làm việc nghiêm túc, cầu thị, trăn trở về từng nội dung của bài thi. Thường ngày, Phương Thảo cũng rất đam mê đọc sách và thường tới thư viện để tìm đọc những cuốn sách hay. Nhờ đó, em đã làm rất tốt vai trò “đại sứ văn hóa đọc”, góp phần lan tỏa tình yêu, niềm đam mê đọc sách tới các bạn và những người xung quanh”.

Video: Phương Thảo chia sẻ cảm nhận khi tham gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc".

Chủ đề Học sinh giỏi Hà Tĩnh

Đọc thêm

Bài cuối: Thắp sáng ngọn lửa hiếu học và khát vọng cống hiến

Bài cuối: Thắp sáng ngọn lửa hiếu học và khát vọng cống hiến

Quá trình thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài trong giai đoạn mới, Hà Tĩnh đã đúc rút những bài học quý, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả. Từ đó tiếp tục phát huy tâm huyết, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng hưởng nguồn lực của toàn xã hội để thắp sáng ngọn lửa hiếu học, thúc đẩy hành trình chinh phục tri thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu phát triển và hội nhập.
Bài 3: Nâng bước em trên hành trình tìm kiếm tri thức

Bài 3: Nâng bước em trên hành trình tìm kiếm tri thức

Lan tỏa tình yêu thương và trách nhiệm với trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, nhiều mô hình “con nuôi”, “mẹ đỡ đầu” đã và đang được nhân rộng trên toàn địa bàn Hà Tĩnh. Toàn xã hội đã cùng vào cuộc với cách làm tâm huyết, hiệu quả, giúp các em học sinh nghèo ở tất cả các cấp học vững bước trên hành trình vượt khó, tìm tri thức.
Bài 2: Giảng đường rộng mở đón học sinh nghèo hiếu học

Bài 2: Giảng đường rộng mở đón học sinh nghèo hiếu học

Quỹ khuyến học dành riêng cho "học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học" lần đầu tiên được Hà Tĩnh thành lập, vận hành qua 3 năm học, đã và đang tiếp tục khẳng định sức lan tỏa của một chủ trương giàu tính nhân văn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 318 sinh viên được hỗ trợ từ quỹ cấp tỉnh và các địa phương hầu hết đều đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt, trong đó nhiều em đã tốt nghiệp đại học, tự tin bước tới tương lai.
Bài 1: Ươm mầm khát vọng từ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Bài 1: Ươm mầm khát vọng từ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Ra đời từ những năm đầu tái lập tỉnh, hơn 30 năm qua, Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 618 cháu hoàn cảnh đặc biệt. Chính sách, nguồn lực ưu tiên cho trẻ mồ côi; tình yêu thương của những người cha, người mẹ nơi đây; sự đùm bọc, sẻ chia của cả cộng đồng đã giúp các em nhỏ trưởng thành. Những mầm xanh khát vọng đang vươn tới tương lai trên con đường rộng mở.