Đề xuất hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh lũ, lụt

Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố để có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà.

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề nghị ban hành "chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung".

Theo đó, đề nghị hỗ trợ cho các hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà; Là hộ độc lập có thời gian tối thiểu 2 năm tính từ thời điểm tách hộ đến khi Chính sách có hiệu lực thi hành.

Mô hình xây dựng nhà chòi phóng tránh lũ (Ảnh: NNVN)

Mô hình xây dựng nhà chòi phóng tránh lũ (Ảnh: NNVN)

Chính sách này áp dụng đối với các hộ gia đình đang cư trú tại vùng thường xuyên bị thiên tai lũ, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) trực thuộc phường, thị trấn, xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Về mức hỗ trợ, Bộ Xây dựng để nghị: Ngân sách nhà nước hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/hộ. Đối với hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì Ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Tập trung phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết 2015 hoàn thành hỗ trợ cho 60.000 hộ nghèo xây dựng được nhà ở phòng, tránh lũ, lụt an toàn. Thời gian thực hiện trong 2 năm, từ năm 2014 – 2015, trong đó năm 2014 hỗ trợ cho khoảng 15.000 hộ nghèo, với số vốn Ngân sách nhà nước khoảng 156 tỷ đồng. Số còn lại (khoảng trên 25.000 hộ) sẽ triển khai thực hiện trong năm 2015”.

Còn mức vay, đối với những hộ thuộc diện đối tượng của Chính sách, nếu có nhu cầu vay vốn thì được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi với mức tối đa là 15 triệu đồng/hộ; đối với những hộ dân đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức đoàn thể có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm sàn phòng, tránh lũ, lụt;

Đối với những hộ dân đang được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức đoàn thể thì ngoài mức vay (nếu có) theo quy định của các chương trình, chính sách đó, nếu có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay theo quy định của các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở đó để xây dựng nhà ở kết hợp làm sàn phòng, tránh lũ, lụt.

Ngoài ra, đóng góp của hộ gia đình và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để thực hiện với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.

Về nguồn vốn thực hiện, Bộ Xây dựng đề nghị: Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về Ngân sách trung ương dưới 50%, Ngân sách địa phương hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí, gồm: thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Bộ Xây dựng cho biết: 40.533hộ nghèo hiện đang sinh sống tại khu vực bị ngập từ 1,5 m trở lên trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

Về vốn hỗ trợ và vốn vay ưu đãi, đối với hộ nghèo: Vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ 417 tỷ đồng; vốn Ngân sách địa phương hỗ trợ 4,2 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 608 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự kiến vốn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình với mức 10 triệu đồng/hộ, thì số vốn huy động khoảng 405 tỷ đồng./.

Xuân Thân

Nguồn: VOV online

Đọc thêm

Làm gì để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Do đâu tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm?

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế được coi là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá sự phát triển của KT-XH ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an sinh xã hội cũng như các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).