Đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên

Bộ Y tế đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh đến các bệnh viện không phải nơi đăng ký ban đầu để khám chữa bệnh hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc kỹ thuật cao.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế được Chính phủ trình Quốc hội sáng 24/10. Dự luật nêu các trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán khi đến bệnh viện không phải nơi đăng ký ban đầu hoặc không phải làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên.

Theo đó, người bệnh cấp cứu tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nội và ngoại trú theo tỷ lệ được hưởng. Người bệnh được tự đến bệnh viện thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiểm, hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao.

Chính phủ cũng đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế với người đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc cơ sở khám chữa bệnh cơ bản đã được phân cấp trước 1/1/2025. Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí điều trị nội trú với bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa bệnh chuyên sâu thuộc tuyến tỉnh; trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ không được thanh toán. Từ 1/7/2026, bệnh nhân điều trị ngoại trú thuộc trường hợp này mới được bảo hiểm y tế thanh toán 50% theo mức hưởng.

Với tuyến trung ương, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 40% chi phí nội trú theo mức hưởng và không thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo khi lên thẳng tuyến trên khám chuyên sâu sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình của Chính phủ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, sáng 24/10. Ảnh: Hoàng Phong
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình của Chính phủ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, sáng 24/10. Ảnh: Hoàng Phong

Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, hiểm nghèo, để họ lên thẳng cấp chuyên môn cao nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi của người dân và tiết kiệm chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá dự thảo luật đã mở rộng thêm một bước quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi "thông cấp khám chữa bệnh".

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở.

Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép thanh toán 100% bảo hiểm y tế với bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao, do phạm vi này tương đối rộng. Bộ trưởng Y tế cần ban hành danh mục minh bạch để đảm bảo khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 24/10. Ảnh: Hoàng Phong
Đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 24/10. Ảnh: Hoàng Phong

"Cơ quan soạn thảo cần làm rõ với các bệnh viện thành lập sau 1/1/2025 không phân tuyến theo huyện, tỉnh thì áp dụng cơ chế nào để đảm bảo công bằng về quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế, nhất là những người đang được hưởng quyền lợi thông tuyến huyện hiện nay", bà Thúy Anh nói.

Bộ Y tế cần sớm xếp cấp chuyên môn kỹ thuật với các bệnh viện thuộc quyền quản lý, trong đó có bệnh viện tư nhân trước 31/12/2024 để đồng bộ thanh quyết toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo cấp chuyên môn kỹ thuật.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.