Kỷ niệm 88 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2018)
Các vị cao niên kể lại lịch sử đấu tranh vẻ vang trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cho thế hệ trẻ.
Gặp gỡ chúng tôi trong những ngày thu lịch sử, bác Trần Văn Sự - nguyên Bí thư Chi bộ thôn Lương Hội cho biết: “Đền Lương Hội gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng này. Lúc đầu đền làm bằng tranh tre và sau được tu bổ, xây dựng thêm 3 tòa bằng gỗ, lợp ngói. Theo lời kể của các cụ cao niên, đền thờ phụng các vị nhiên thần như: Thủy cung Thánh mẫu, Song đồng Ngọc nữ…”.
Hiện nay, người dân còn lưu giữ được 2 đạo sắc phong của đền do vua Lê Cảnh Hưng và Bảo Đại ban tặng.
Đền Lương Hội đã ghi lại dấu ấn lịch sử vẻ vang của nhân dân Khánh Lộc. Trong những năm 1930-1931, đền được chọn làm nơi hoạt động bí mật của cán bộ; tập hợp lực lượng địa phương để bàn bạc, tổ chức các cuộc mít tinh, diễn thuyết cổ vũ các phong trào kháng Pháp, hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời, đền còn là nơi tổ chức các cuộc họp, kết nạp đảng viên của Chi bộ thôn Lương Hội (theo Lịch sử Đảng xã Khánh Lộc 1930-2009, NXB VH-TT).
Bác Trần Văn Sự cho biết thêm: “Chúng tôi đã được các vị cao niên trong làng kể lại rằng, trong cao trào cách mạng 30-31, chị Tám (tên nhân vật hoạt động cách mạng bí mật - PV) được tổ chức Đảng của huyện?Can Lộc cử về tập hợp bà con để diễn thuyết, kêu gọi nhân dân đi biểu tình chống chế độ thực dân, phong kiến. Sau đó, được sự hướng dẫn của chị Tám, đông đảo bà con nhân dân xã Khánh Lộc đã tập hợp, đi theo tuyến đường liên huyện xuống thị trấn Nghèn biểu tình. Đến chợ Nghèn thì bị đàn áp dã man. Chỉ còn một số người tiếp tục cùng bà con nhân dân các xã khác kéo lên huyện đường, đưa yêu sách đòi phải giảm sưu thuế”.
Chăm sóc, bảo vệ Đền Lương Hội đã trở thành công việc chung của người dân xã Khánh Lộc
Ý thức được ý nghĩa của ngôi đền trong đời sống tinh thần của bà con, người dân làng Lương Hội đã ra sức bảo vệ di sản, cố gắng lưu giữ cẩn thận 2 sắc phong quý giá. Các vị cao niên trong làng cũng đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm nhiều tài liệu quan trọng, củng cố các thông tin để đền được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2018.
Cán bộ văn hóa xã Khánh Lộc Mai Khắc Vũ tâm sự: “Tự hào với lịch sử của cha ông, bà con nhân dân đã tự nguyện đóng góp thêm ngày công, tiền của để trùng tu lại ngôi đền, cắt cử người bảo vệ cẩn thận các sắc phong. Mọi người cũng thường xuyên chăm sóc khuôn viên, tổ chức tế lễ, các trò chơi dân gian tại đền… nhằm nhân lên những giá trị cao đẹp mà các bậc tiền nhân đã để lại".
Trải qua quá trình lịch sử, đền Lương Hội đã trở thành địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng của bà con nhân dân, nơi giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn luôn là động lực to lớn của nhân dân Lương Hội nói riêng và Khánh Lộc nói chung trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.