Video: Trải nghiệm quét mã QR để thanh toán tại Chợ TP Hà Tĩnh
Dù nhớ ra mình không mang theo tiền mặt khi vào chợ TP Hà Tĩnh, thế nhưng, chị Nguyễn Thị Hương (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) vẫn bình tĩnh chọn hàng tại một ki-ốt bán quần áo. Sau khi “chốt” giá, chị Hương được chủ ki-ốt đưa mã quét QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Hương thực hiện quét mã QR để thanh toán tiền hàng.
“Chỉ cần mình có tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc trong ứng dụng Viettel Money thì khi đi chợ sẽ không phải lo lắng nếu không mang theo tiền mặt. Mình đã trải nghiệm dịch vụ quét mã QR tại một số quầy hàng từ thực phẩm đến hàng quần áo, hàng mã… nên thấy rất tiện lợi. Mình trả đúng số tiền mà không lo thừa, thiếu” - chị Hương cho biết.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thu - chủ ki-ốt quần áo nói trên cũng rất thoải mái khi khách hàng của mình thanh toán bằng hình thức... 4.0. “Trước đây, chị vẫn nhận tiền chuyển qua tài khoản nhưng cũng phải mất công đọc số tài khoản, nhiều khi khách đông, khách nghe nhầm nên thao tác chuyển khoản mất thời gian. Còn hiện nay, khi được hướng dẫn đăng ký quét mã QR, việc thanh toán tiền thuận lợi hơn nhiều. Khách chỉ cần quét mã và một vài thao tác đơn giản là mình đã nhận được tiền” – chị Thu hào hứng.
Quầy bánh mướt của chị Nguyễn Thị Hà phát sinh khá nhiều dao dịch qua app Viettel Money.
Cách đó không xa, quầy bán bánh mướt của chị Nguyễn Thị Hà được giới thiệu là điểm quét mã khá sôi động của Chợ TP Hà Tĩnh. Những lần khách chuyển khoản 20, 30 nghìn đồng hay thậm chí số lẻ như 18, 22 nghìn đồng đều được lưu lại trên app Viettel Money mà chị Hà đang sử dụng.
Chị Hà phấn khởi: “Dịch vụ này khá thuận tiện cho công việc kinh doanh và dễ sử dụng, thao tác dễ hơn so với chuyển khoản ngân hàng. Chỉ cần quét mã QR là có thể trả được một suất ram bánh mướt 15 nghìn. Thế nên, tôi hằng ngày không cần phải mang nhiều tiền lẻ để trả lại cho khách”.
Từ giữa tháng 6/2022, Ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Viettel triển khai dự án “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt”. Dự án này nhằm thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc chuyển đổi số, thanh toán số, tiến tới xu hướng thanh toán không cần tiền mặt để đảm bảo an toàn, nhanh chóng khi mua bán. |
Ông Trần Anh Dũng - Phó Giám đốc Viettel Hà Tĩnh cho biết: “Với mô hình này, tiểu thương và khách hàng khi mua bán tại chợ TP Hà Tĩnh sẽ thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money thay cho hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt. Sau gần 2 tháng thực hiện, đã có 148 quầy hàng, ki-ốt đăng ký điểm chấp nhận thanh toán Viettel Money. Bước đầu mô hình đã nhận được sự hưởng ứng và được đánh giá mang lại tiện ích cho tiểu thương và người đi chợ”.
Tuy nhiên, số lần phát sinh giao dịch vẫn còn thấp hơn so với kỳ vọng, gần 2 tháng triển khai, “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt” mới chỉ có 1.925 số lần phát sinh giao dịch tại các điểm, bình quân mỗi tháng 1 điểm phát sinh khoảng 6 giao dịch.
Quầy hàng mã, thuốc lào của ông Đinh Văn Qúy vẫn chưa có người khách nào “quét mã” thành công.
Thực tế cho thấy, dù đã trở thành điểm chấp nhận thanh toán Viettel Money gần 1 tháng nay nhưng quầy bán hàng mã của ông Đinh Văn Qúy vẫn chưa có người khách nào “quét mã”. “Gần như khách của tôi khi đến mua hàng vẫn dùng tiền mặt. Cũng có vài người nói chuyển khoản nhưng thao tác không đúng hay sao mà họ vẫn phải trả bằng tiền mặt. Tôi thấy, phương thức thanh toán mới này cũng hay nhưng chủ yếu khách hàng áp dụng là cán bộ, công nhân viên, người trẻ tuổi. Tôi nghĩ, cần có thêm thời gian cũng như đơn vị triển khai cần tăng cường tuyên truyền để bà con quen với cách thanh toán mới này” - ông Quý chia sẻ.
Chưa từng sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến, bà Đoàn Thị Thanh (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi lần đi chợ mua đồ, tôi vẫn dùng tiền mặt. Tôi nghĩ với người lớn tuổi như tôi, việc tiếp cận các ứng dụng công nghệ để chuyển khoản, quét mã còn rất khó”.
Nhân viên Viettel Hà Tĩnh hướng dẫn điểm chấp nhận thanh toán Viettel Money của ông Sử Văn Ngụ.
Mô hình “chợ 4.0” là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, tiêu biểu cho lối tiêu dùng thông minh, giúp nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong từng giao dịch, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Hiện nay, Hà Tĩnh cũng đang rất tích cực trong thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực như: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Được biết, Viettel Hà Tĩnh dự kiến trong quý IV/2022 sẽ phủ sóng “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt” trên địa bàn toàn tỉnh (13 chợ/13 địa phương). Tuy nhiên, để mô hình này thực sự hiệu quả, điều cần làm là đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt - nhất là vấn đề an toàn thông tin, bảo mật của dịch vụ tài chính số để người dùng yên tâm, cởi mở hơn với các ứng dụng hỗ trợ thanh toán.
Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, đoàn thể bằng việc khuyến khích cán bộ, công nhân viên là người tiên phong sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; áp dụng quy định đối với các hộ kinh doanh, tiểu thương phải có điểm chấp nhận thanh toán 4.0, mã QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.